Góp ý dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Chiều 5/5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

 

Theo ông Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện nay, tổng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp chưa kể đất đai, định giá lại là khoảng 1.300.000 tỷ đồng (khoảng 60 tỷ USD). Đây là một nguồn lực rất lớn, nhưng chưa có Luật nào điều chỉnh, mà chỉ quản lý bằng Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc xây dựng đạo Luật này là yêu cầu rất bức xúc do cuộc sống đặt ra, không chỉ đảm bảo quản lý nguồn lực to lớn của Nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, mà còn giúp phát triển các doanh nghiệp mà Nhà nước đầu tư vốn.


Ông Nguyễn Mạnh Tuệ, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tại Điều 5, khoản 3 của dự thảo Luật quy định Chính phủ giao Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của “chủ sở hữu”. Như vậy sẽ không có cơ quan “đại diện chủ sở hữu” để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát. Theo ông Tuệ, dự án Luật cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng xác định rõ hơn các chủ thể, tập trung để thuận tiện trong công tác quản lý. Cụ thể, “Đại diện chủ sở hữu” là cơ quan do sở hữu phân công, giao trách nhiệm, có vai trò tham mưu cho “chủ sở hữu” trên nhiều lĩnh vực để có thể nâng cao được hiệu lực quản lý. Cơ quan tham mưu này có thể là một cơ quan Nhà nước (Cục Tài chính doanh nghiệp) hoặc một tổ chức kinh tế. Điều kiện đối với cơ quan này là phải có đủ tầm về chiến lược, năng lực quản lý đầu tư, kiểm soát tài chính… mới hiệu quả.


Ở góc độ cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp, bà Lê Ngọc thùy Trang, Chi Cục trưởng Chi Cục Tài chính Doanh nghiệp (thuộc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để tách bạch chức năng quản lý của chủ sở hữu với chức năng quản lý Nhà nước, cần nghiên cứu thành lập một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ hoạt động theo Luật này, nhằm thống nhất thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước quản lý toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Theo bà Trang, ở khoản 3, Điều 16 quy định thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp “Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của từng doanh nghiệp là khác nhau, những doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn thì giá trị 50% vốn chủ sở hữu cũng sẽ rất lớn. Do đó, để các doanh nghiệp cần tập trung vốn vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính, Luật cần có quy định hạn chế thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trong việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp. Vì vậy, khoản 3, Điều 16 cần bổ sung thêm cụm từ tiếp sau đó “… nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư, xây dựng”.


Để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng Luật này vào thực tiễn, ông Vũ Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn cho rằng, trong Điều 20 của dự thảo quy định việc phân phối lợi nhận cần quy định cụ thể hơn về tỷ lệ phần thu về Quỹ tài chính tập trung của Nhà nước, phần để lại đầu tư phát triển doanh nghiệp và phần trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Điều 8 của dự thảo cần xác định rõ ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần phải đầu tư 100% vốn điều lệ khi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp…


Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng bày tỏ mong muốn, Luật nên thông thoáng hơn để doanh nghiệp có thể linh hoạt trong đầu tư. Bởi vì theo doanh nghiệp, càng ngày càng thấy Luật đang siết chặt doanh nghiệp hơn dẫn đến hoạt động đầu tư bị mất cơ hội cạnh tranh. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước), các khoản tín dụng nhà nước có bảo lãnh vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, một số ngành độc quyền của Nhà nước…

 

H.Chung

Đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư
Đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư

Ngày 29/4, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2014, bàn các giải pháp những tháng tiếp theo nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN