Góp ý dự thảo luật về cư trú của người nước ngoài

Ngày 17/2, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long đã tổ chức hội thảo với các ngành có liên quan, lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Khách nhập cảnh xếp hàng kiểm tra thân nhiệt tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN


Dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam bao gồm 10 Chương, 63 Điều quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

* Tại Hậu Giang, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về Dự thảo Luật, trong đó một số đóng góp nêu rõ: Dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam còn một số khoản, điều không rõ về câu chữ, thừa chữ hoặc quy định tại các khoản, điều không trùng khớp nhau dẫn đến nội dung không chính xác. Chẳng hạn, tại Khoản 1 Điều 9 nêu ký hiệu SQ quy định tại Khoản 19 Điều 8. Tuy nhiên thực tế ký hiệu SQ lại là Khoản 20 của Điều 8; hoặc Khoản 2 Điều 19 về điều kiện nhập cảnh ghi “không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của Điều 19”. Tuy nhiên các trường hợp chưa cho nhập cảnh lại thuộc Điều 20.

Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Luật Vị Thanh Nguyễn Văn Phụng nêu ý kiến: Khoản 1, 2, Điều 28 của Dự thảo Luật ghi “Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án Tòa án, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự”, “Thủ trưởng Cơ quan quản lý thuế” nhưng không nêu rõ các cơ quan này thuộc cấp nào, điều này sẽ gây khó khăn trong thực hiện. Hay Khoản 4 Điều 30 nói về việc kéo dài thời hạn tạm trú cần chuyển sang Điều 33 về gia hạn tạm trú; nội dung Khoản 1 Điều 36 và Khoản 2 Điều 37 trùng nhau và khác câu chữ nên không rõ nghĩa.

Tại Khoản 2 Điều 36 về thời hạn thẻ tạm trú ghi ký hiệu DH quy định tại Khoản 9 Điều 35 nhưng thực tế trong Dự thảo Luật, ký hiệu DH thuộc Khoản 8 Điều 35; hoặc Khoản 3 Điều 36 ghi ký hiệu NN1, NN2, VR thuộc Khoản 7, 8 và 11 Điều 35 nhưng tại Điều 35 các ký hiệu này thuộc Khoản 6, 7 và 10. Ngoài ra, còn một số từ không rõ nghĩa như nội dung Khoản 1 Điều 47 ghi “thuyền viên trên các tàu thuyền nhập cảnh Việt Nam được đi bờ”, từ “đi bờ” gây khó hiểu…

Bà Nguyễn Thanh Thủ, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang nhận định: Đại biểu các cơ quan, đơn vị đã đóng góp các ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm, có nghiên cứu kỹ Dự thảo Luật này. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

* Tại Vĩnh Long, cùng với việc đóng góp cụ thể cho những từ, cụm từ, kết cấu câu… ở một số Điều, Khoản, Mục… cho chặt chẽ, các đại biểu đã đóng góp sâu về vấn đề chung, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc nhập cảnh, quá cảnh, thị thực, cư trú... Ông Nguyễn Văn Sao, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho rang, Quốc hội cần làm rõ hơn nữa việc quá cảnh, đối tượng này có phải là cư trú không? Nếu có thì phải đưa vào nội dung của Điều 3 và quy định thêm quyền, nghĩa vụ của người quá cảnh tại Việt Nam. Khoản 1 Điều 9 cần sửa lại là “Ký hiệu thị thực … theo Khoản 20 Điều 8” chứ không phải là “…Khoản 19 Điều 8” như dự thảo. Đề nghị tách Điểm c Khoản 3 Điều 28 thành 1 Khoản riêng để phân định rõ trách nhiệm của 2 Bộ trưởng: Công an và Quốc phòng. Ở Điều 26 cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc để người tâm thần xuất (nhập) cảnh.

Các đại biểu của ngành Công an Vĩnh Long cho rằng: Khoản 2 Điều 5 cần bổ sung thêm nội dung nghiêm cấm; Khoản 1 Điều 31 cần thêm “đồn Công an”, xem xét, cân nhắc kỹ việc có đưa người quá cảnh vào đối tượng của Luật này hay không. Điều 28 quy định thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh, cần tách riêng để quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho rang, nên đưa từ “quá cảnh” vào Khoản 1 Điều 2 để phù hợp với các nội dung quy định của Chương 4. Về thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh cần giao cho cấp tỉnh, không nhất thiết phải giao về Trung ương vì không đảm bảo thời gian.


Xuân Dự, Phạm Bình
Giải quyết vướng mắc về quản lý xuất nhập cảnh
Giải quyết vướng mắc về quản lý xuất nhập cảnh

Sáng 10/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN