Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh trả lời về công tác phòng, chống tội phạm 

Các vấn đề về tín dụng đen, xâm hại trẻ em, tội phạm ma túy… đã được nhiều đại biểu đưa ra chất vấn Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 17, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, sáng 9/12.

Đã khởi tố 52 vụ xâm hại trẻ em

Nêu vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay về tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, có cả những đối tượng là người có trình độ, đại biểu Châu Phương Hoàng Thảo đặt câu hỏi: Giải pháp của Công an thành phố trong xử lý vấn đề này như thế nào?

Chú thích ảnh
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an Thành phố giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Về đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an Thành phố, năm 2019 số vụ xâm hại trẻ em tăng 35 vụ so với cùng kỳ, cơ quan chức năng đã khởi tố 52 vụ với 44 bị can. Công an thành phố đang tập trung thực hiện chuyên đề công tác đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em, vị thành niên; đã quán triệt tới các đơn vị phải nắm tình hình, xử lý, phòng ngừa, khi tiếp nhận tin báo tố giác phải nhanh chóng xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ…

“Phân tích từ các vụ án cho thấy, công tác phòng ngừa, quản lý, chăm sóc trẻ còn những sơ hở, dẫn đến những hành vi xâm hại trẻ. Trong khi đó, Luật Trẻ em có quy định nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em (cha mẹ hoặc người chăm sóc có hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ). Vì thế, việc quy định một cách cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc là giải pháp căn cơ để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại. Thực tế, nhiều nước trên thế giới có quy định cụ thể trẻ em ở độ tuổi nào trở xuống phải có người lớn đi kèm. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng tự vệ cho trẻ cũng rất cần thiết” - Trung tướng Lê Đông Phong nhận định.

Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Nga về các giải pháp quản lý các địa điểm giải trí như quán bar, karaoke... những nơi thường được lợi dụng để tổ chức sử dụng ma túy, mại dâm, cờ bạc, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết, trong năm qua, dù tình hình an ninh trật tự diễn biến rất phức tạp nhưng với sự lãnh đạo của Bộ Công an, chính quyền thành phố, lực lượng Công an thành phố đã giữ vững được an ninh chính trị. Phạm pháp hình sự cũng kéo giảm được 8,25% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ phá án đạt hơn 76%, bắt giữ nhiều vụ án ma túy lớn; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí...

Không chấp nhận hình thức đòi nợ thuê

Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi: Tình trạng "tín dụng đen" hoành hành, nhiều vụ đòi nợ, tạt chất bẩn khiến tình hình an ninh trật tự khu dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "tín dụng đen" đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh điêu đứng, nhiều con nợ lo sợ không dám tố giác, phía Công an có khi cho đó là tranh chấp dân sự nên không can thiệp. Vậy khó khăn khi xử lý vụ án hình sự liên quan đến tín dụng đen là gì? Giải pháp căn cơ cho vấn đề này là như thế nào?

Về vấn đề này, đại diện Sở Công an thành phố cho biết, công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" đã ghi nhận một số kết quả tích cực trong năm nay.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Theo Trung tướng Lê Đông Phong, trong năm 2019, trên địa bàn thành phố còn 51 nhóm, với 178 đối tượng có dấu hiệu thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật; số vụ đã giảm nhiều so với năm 2018 (94 nhóm, 383 đối tượng). Đáng chú ý, nếu như năm 2018 chưa xử lý hình sự được vụ nào, năm 2019 đã khởi tố 9 vụ, 31 đối tượng; xử lý chung 38 nhóm, 168 đối tượng.

Trên thực tế, quy định xử lý cho vay nặng lãi mặc dù đã cụ thể hơn nhưng còn khó khăn trong chứng minh các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý hình sự. Các hành vi đe dọa, tạt chất bẩn… đã được hạn chế, không rộ lên như cuối năm 2018. Công an thành phố yêu cầu công an các địa phương phải theo sát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi này từ đầu.

“Về giải pháp căn cơ, Công an thành phố đã kiến nghị UBND đề xuất lên Chính phủ không chấp nhận loại hình dịch vụ đòi nợ thuê. Theo quy định, đây là dịch vụ hỗ trợ cho giao dịch bình thường, nhưng các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ này "thông qua" một số đối tượng xấu, với cách thức thường khủng bố tinh thần người nợ. Loại hình dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự công cộng” – Trung tướng Lê Đông Phong cho biết.

Liên quan đến công tác phòng chống tội phạm ma túy, đại diện Công an thành phố cho biết, Sở vừa tham mưu cho lãnh đạo thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề về ma túy, góp phần đề ra các giải pháp, từ hoàn thiện quy phạm pháp luật, đến phòng ngừa đấu tranh với các đường dây tổ chức buôn bán ma túy; đồng thời đánh giá về vai trò, vị trí của người nghiện, người sử dụng ma túy.

Không thể nhận thức người nghiện ma túy là người bị tác động, bị động bởi người bán ma túy, mà đây là quan hệ tương tác 2 chiều. Thành phố từng có giai đoạn đưa các đối tượng đi cai nghiện tập trung, góp phần giải quyết căn bản các loại tội phạm khác, trong đó giảm tội phạm buôn bán ma túy.

Giám đốc Công an thành phố Lê Đông Phong đồng tình với nhận định của các đại biểu cho rằng việc thống kê số người nghiện ma túy trên địa bàn là chưa đầy đủ. “Để có cái nhìn đầy đủ và khách quan cũng như đưa ra giải pháp quản lý người nghiện tại cộng đồng hiệu quả, HĐND thành phố nên có chuyên đề giám sát về về vấn đề này” - Giám đốc Công an thành phố Lê Đông Phong đề xuất.

T.Hoài - H.Chung (TTXVN)
HĐND TP Hồ Chí Minh: Chất vấn về chất lượng không khí và ô nhiễm môi trường
HĐND TP Hồ Chí Minh: Chất vấn về chất lượng không khí và ô nhiễm môi trường

Mở đầu phiên chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố khóa IX, sáng 9/12, nhiều đại biểu đã tập trung chất vấn ngay vào vấn đề chất lượng không khí, ô nhiễm môi trường ở trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN