Gần 250 hiện vật hiến tặng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngày 23/11, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ chức Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp nhận hiện vật hiến tặng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chú thích ảnh
 Hiến tặng tài liệu của cố Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ (nguyên Tổng Thư ký Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam) cho đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Ông Tạ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, ngày 10/9/2018, Trung tâm và Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ chức Việt Nam đã gặp gỡ với gia đình các vị lãnh đạo Mặt trận, các cá nhân từng tham gia công tác Mặt trận các thời kỳ để trao đổi về công tác sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng. Kết quả, các gia đình đã tích cực sưu tầm, tập hợp tài liệu, hiện vật đang giữ để hiến tặng Bảo tàng, với số lượng đăng ký là gần 250 hiện vật.

Tại Hội nghị, đại diện các gia đình đã trao các hiện vật cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong số đó, có những hiện vật gốc quý hiếm như Bằng khen, Huân chương, sổ ghi chép công tác, Quyết định của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam về việc thành lập Liên minh các lực lượng Dân tộc – Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Lá cờ của Liên minh các lực lượng Dân tộc – Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Nhật ký chiến trường; Bức tâm thư của Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Tổng thư ký Liên minh các lực lượng Dân tộc – Dân chủ và Hòa bình Việt Nam gửi các anh chị em trí thức, sinh viên, học sinh miền Nam ở trong nước và kiều cư hải ngoại, đăng trên báo Cứu lấy quê hương năm 1973…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là pho sử vô cùng quý giá, sinh động hàm chứa biết bao kinh nghiệm phong phú, đa dạng, là niềm tự hào của dân tộc ta. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có chủ trương xây dựng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu từ di sản lịch sử Mặt trận. Việc khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật được thực hiện nhằm tiến tới xây dựng Bảo tàng này.

Cảm ơn các cá nhân, gia đình đã có công sưu tầm, gìn giữ những tài liệu, hiện vật quý giá trong thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, cơ quan tiếp nhận sẽ có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản cẩn thận, khai thác có hiệu quả các hiện vật tại Bảo tàng Mặt trận để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đại đoàn kết vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến các thế hệ hôm nay và ngày mai. Đồng thời, tri ân, tôn vinh các thế hệ cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước đó, qua 3 đợt khảo sát, sưu tầm tại ba miền, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Nghiên cứu khoa học Mặt trận đã khảo sát được 712 hiện vật và 80 điểm di tích gắn với hoạt động của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc – Dân chủ và Hòa bình Việt Nam... Trong đó, tại miền Bắc là 135 hiện vật và 75 điểm di tích; miền Trung là 159 hiện vật và 4 điểm di tích; miền Nam, khảo sát được 418 hiện vật và một điểm di tích.

Tiến Lực (TTXVN)
Trưng bày 500 tư liệu, hiện vật, cổ vật thời Đông Sơn và các triều đại Việt Nam
Trưng bày 500 tư liệu, hiện vật, cổ vật thời Đông Sơn và các triều đại Việt Nam

Ngày 24/10, tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc gian trưng bày tư liệu, hiện vật, cổ vật chủ đề "Cổ vật thời Đông Sơn, Đinh - Tiền Lê, Lý - Trần, Hậu Lê và Nguyễn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN