Xã viên HTX Tân Vạn Hưng (huyện Cần Giuộc, Long An) chăm sóc rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN |
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, những năm qua, được sự hỗ trợ của các bộ ngành trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất thực phẩm, chăn nuôi cùng với việc đem lại nhiều thời cơ tốt cho sự phát triển nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức trong việc quảng bá sản phẩm của ngành thực phẩm Việt Nam.
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn nhưng trong bối cảnh thị trường thực phẩm hiện nay, người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn thực phẩm sạch cho gia đình. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự hỗ trợ nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch để tiếp cận khách hàng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tại Việt Nam, cứ 69.000 người mới có một cửa hàng tiện ích trong khi tại Hàn Quốc là 1.800 dân có một cửa hàng. Trong khi nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu của người dân vẫn là chợ cóc, chợ truyền thống khó kiểm soát được chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các nhà phân phối bán lẻ vẫn chưa có sự liên kết trong khâu tiêu thụ.
Phân tích về hướng đi mới để phát triển bền vững, phát huy tiềm năng của thủ đô, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ, hiện Hà Nội đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; 157 ha cây ăn quả và trên 80 ha chè VietGap.
Diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đạt 5.000 ha. Diện tích giám sát sản xuất theo VietGap đạt 352,7 ha và trên 40 ha rau hữu cơ. Hà Nội đã hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Ngoài ra, thành phố đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tổng sản lượng sản phẩm các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt hàng nghìn tấn rau; 4.500 tấn thịt lợn; 3.100 tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29.000 tấn sữa tươi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Đăng cũng thừa nhận hiện thành phố vẫn còn nhiều khó khăn trong liên kết giữa các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Trong khi hiện nay trên trị trường vẫn lẫn lộn các sản phẩm không phân biệt được thật giả, thậm chí còn giả cả giấy chứng nhận VietGAP.
Cùng với đó, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội còn hạn chế. Các cơ sở sản xuất chủ yếu hoạt động theo hình thức "mạnh ai nấy làm", dẫn đến khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối, sản phẩm tạo ra có tính cạnh tranh thấp.
Một số cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên vấn đề an toàn cho người sử dụng; không tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn và trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ.
Đại diện siêu thị Aeon Fivimart, Công ty Nhất Nam- một trong những đơn vị cung cấp sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng cho biết, thực phẩm an toàn đã trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định chi tiêu của người tiêu dùng. Nó không chỉ thể hiện sự quan tâm đến hàng hóa chất lượng an toàn mà còn là sự quan tâm dành cho chính sức khỏe của họ.
Năm 2016, Chính phủ đã đưa ra một số nghị định về đảm bảo chất lượng hàng hóa sạch, an toàn cũng như có chính sách giám sát nguồn gốc thực phẩm chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường và đến tay người tiêu dùng. Không nằm ngoài chiến dịch đó, Aeon Fivimart luôn hướng tới việc xây dựng vùng thực phẩm an toàn, liên kết với các doanh nghiệp cam kết đảm bảo chất lượng và nói không với thực phẩm bẩn.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến nay vẫn còn số lượng không nhỏ người tiêu dùng thiếu thông tin về các hàng hóa Việt Nam có uy tín và các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra được các hàng hoá đạt chất lượng quốc gia, chất lượng quốc tế vượt qua rào cản kỹ thuật của các quốc gia khó tính của EU, Mỹ...
Bà Lê Việt Nga khẳng định: Để đảm bảo sản xuất kinh doanh và cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường... tích cực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, trên thị trường.
Trong thời gian tới, các bộ ngành kiến nghị sẽ hoàn thiện nhãn hiệu chứng nhận thực phẩm an toàn để người tiêu dùng không phải mua sản phẩm an toàn bằng lòng tin, bên cạnh đó sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích giúp quản lý chất lượng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tiện lợi khi mua sắm.