Tiến độ thu ngân sách còn chậm
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong tháng 5/2017, thu nội địa tháng 5 ước đạt 66,88 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 18,2 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Nguyên dân chủ yếu là các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng phát sinh quý I/2017 đã tập trung kê khai, thu nộp trong tháng 4 theo chế độ quy định. Lũy kế thu 5 tháng đạt 388,26 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Bộ phận một cửa Cục Hải quan Hà Nam Ninh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, giúp nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN |
Đại diện Vụ Kê khai - kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết rằng, so với dự toán, có 8/17 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 43%); so với cùng kỳ thì 11/17 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu. Ngược lại, 6/17 khoản thu thấp hơn cùng kỳ như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (93,6%); thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (90,5%); tiền bán nhà (54,8%); thuế bảo vệ môi trường (87,9%); lệ phí trước bạ (93,6%)...
“Đây là năm có tiến độ thu chậm nhất trong 3 năm gần đây (năm 2016 đạt 35,9%, năm 2015 đạt 39,1%, năm 2014 đạt 43,6%), chậm hơn tiến độ tổng thu do cơ quan thuế quản lý (đạt 41,1% dự toán) và chậm hơn tiến độ thu ngân sách địa phương (NSĐP) (thu NSĐP 5 tháng ước đạt 224.830 tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán).
Đối với nguồn thu từ dầu thô, nguồn thu trong tháng 5 ước đạt 3,84 nghìn tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so tháng trước do giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 4/2017 đến nay giao động trong khoảng 48- 51 USD/thùng; giá dầu thanh toán bình quân trong kỳ khoảng 52,5 USD/thùng, tăng 2,5 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 1,21 triệu tấn.
Lũy kế thu dầu thô 5 tháng đạt 18,9 nghìn tỷ đồng bằng 49,3% dự toán năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm nay là 115 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán năm, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (41 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74 nghìn tỷ đồng, bằng 41,1% dự toán, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Tổng cục Thuế, để đảm bảo kế hoạch thu, từ nay tới cuối năm, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, chống chuyển giá; hạn chế nợ đọng thuế, tích cực thu hồi nợ đọng thuế và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trốn lậu thuế; đôn đốc kiểm tra, thu hồi nợ thuế theo đơn vị. “Tổng cục Thuế tiếp tục tổng hợp báo cáo các trường hợp nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi để trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm, tránh tình trạng nợ đọng lớn, kéo dài”, đại diện Tổng cục thuế nói.
Còn ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan Hà Nội) chia sẻ: năm 2017, Chi cục Hải quan Gia Thụy được giao chỉ tiêu thu thuế là 2.568 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu là 2.587 tỷ đồng. Hiện Chi cục đang tập trung các biện pháp mang tính đột phá nhằm thu hút nguồn thu.
Theo đó, Chi cục chủ động nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn để duy trì, nuôi dưỡng các nguồn thu lớn đồng thời tìm kiếm các nguồn thu mới; tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg, đó là DN sẽ được làm thủ tục đối với tất cả các mặt hàng khác ngoài danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập mà không bị hạn chế như trước đây.
“Tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như công tác xác định giá tính thuế, công tác kiểm tra sau thông quan, công tác đôn đốc thu đòi nợ thuế nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hà Nội”, ông Bình nói.
Cắt giảm tối đa các hoạt động lễ hội, khởi công công trình
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng chi NSNN tháng 5 ước đạt 94,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng ước đạt 484,58 nghìn tỷ đồng, bằng 34,8% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên tổng chi thường xuyên vẫn ở mức cao đạt 362,39 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương cơ bản được đảm bảo; trong đó: bội chi ngân sách Trung ương tháng 5 ước đạt 21 nghìn tỷ đồng, lũy kế 5 tháng ước đạt 55,5 nghìn tỷ đồng”, đại diện Bộ Tài chính nói.
‘Trong 5 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, theo dự toán; quán triệt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi hành chính nhà nước, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, khánh thành, tổng kết, đi công tác nước ngoài...”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Để kiểm soát chi hiệu quả, 5 tháng đầu năm nay, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi khoảng 293,5 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 66 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, qua đó đã phát hiện trên 4 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; không chấp nhận thanh toán khoảng 23 tỷ đồng.
Trong Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở việc làm, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng năm 2016 gửi tới đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã đặt quyết tâm trong năm 2017 sẽ cắt giảm chi: Cụ thể, cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước (trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A); loại bỏ 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch…; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất công, kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng không đúng quy định; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng.
Để đạt chỉ tiêu này, Chính phủ tập trung giải pháp tăng cường quản lý dự án đầu tư công ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khắc phục tình trạng chuẩn bị sơ sài và quyết định chủ trương đầu tư theo cảm tính, gây lãng phí, thất thoát vốn. Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý ngay các dự án sử dụng vốn nhà nước lãng phí, kém hiệu quả; làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan… Ngoài ra, Chính phủ sẽ tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi đất đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, bỏ hoang và lấn chiếm trái quy định…