Nhiều nguồn thu khởi sắc
Theo Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong tháng 3/2017 ước đạt 92,17 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu quý I đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể nguồn thu nội địa trong tháng 3 ước đạt 73,15 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với tháng trước; lũy kế thu quý I đạt 232 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán, tăng 13,3%. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thì thu nội địa quý I đạt 24% dự toán, tăng 11,1%.
Người nộp thuế nộp hồ sơ tại bàn hoàn thuế thu nhập cá nhân của đại lý thuế - Công ty TNHH dịch vụ thuê ngoài Việt Nam. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/ TTXVN |
Trong tháng 3, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nên thu ngân sách từ hoạt động này ước đạt 25 nghìn tỷ đồng, tăng 19% (tương ứng khoảng 4 nghìn tỷ đồng) so với tháng 2. Lũy kế thu quý I ước đạt 66,8 nghìn tỷ đồng, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (29 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, bằng 21% dự toán, tăng 28,6%.
Báo cáo phân tích của Bộ Tài chính cho hay: Sở dĩ số thu tăng là do tăng trưởng của nền kinh tế những tháng cuối năm 2016 đạt khá (GDP quý 4/2016 tăng 6,68%). Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành những tháng đầu năm 2017 duy trì đà tăng trưởng cao so với vùng kỳ. Bên cạnh đó, cơ quan thuế quyết liệt triển khai công tác thu ngay từ đầu năm, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN.
Bên cạnh đó là việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, nhờ đó, đã có tác động tích cực đến thu NSNN.
Ngoài ra, một số khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt khá và đều tăng so với cùng kỳ năm trước như: thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,4%; thuế thu nhập cá nhân đạt 30,3%; các khoản thu từ nhà đất đạt 35,2%....
Trong tháng 3/2017, nguồn thu từ dầu thô tháng 3 ước đạt 3,95 nghìn tỷ đồng, giảm gần 400 tỷ đồng so với tháng trước nguyên nhân do dư thừa nguồn cung lớn, từ cuối tháng 2/2017 giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng giảm). Tuy nhiên, lũy kế thu quý I tăng gần 16% (ước đạt 11 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9% dự toán).
Băn khoăn cơ cấu chi
Đánh giá về công tác chi NSNN trong quý I, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, nhìn chung các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 3 và quý I đảm bảo tiến độ dự toán và triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách...
Tổng chi NSNN tháng 3 ước đạt trên 110 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi quý I ước đạt 284,96 nghìn tỷ đồng, đạt trên 20% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 44,16 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ lãi 29,1 nghìn tỷ đồng; chi thường xuyên 211,2 nghìn tỷ đồng.
Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý I ước đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ năm ngoái đạt 16%). Tiến độ giải ngân vốn đạt thấp chủ yếu do nhiều bộ, ngành, địa phương chậm triển khai phân bổ dự toán chi đầu tư công năm 2017 (tính đến ngày 15/2/2017, vẫn còn 13/45 bộ, cơ quan trung ương và 7/63 địa phương chưa triển khai phân bổ vốn đầu tư đến từng dự án).
Ngoài ra, Tết Nguyên đán cũng làm gián đoạn tiến độ thi công của nhiều dự án. Đồng thời, nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2017 Quốc hội chưa thông qua danh mục và mức vốn cho từng dự án, nên chưa giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để triển khai thực hiện.
Đề cập cơ cấu chi đầu tư co lại chỉ bằng một nửa so với chi trả nợ, bằng 1/5 so với chi thường xuyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung băn khoăn cho rằng, cơ cấu đó làm bất ổn kinh tế vĩ mô.
Theo Tổng cục Thống kê: Tính đến 15/3, chi đầu tư phát triển 32,6 nghìn tỷ đồng, bằng 9,1%; chi thường xuyên 173,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3%. “Bộ trưởng Bộ Tài chính đổ lỗi bội chi tăng cao cho tình trạng tăng trưởng không đạt chỉ tiêu. Tất nhiên là có lý do đó, nhưng không phải tất cả. Nhà nước vẫn tăng thu cơ mà. Bao nhiêu năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chưa năm nào không tăng thu cả, có năm tăng thu cả năm tỉ đô la Mỹ. Vì sao tăng thu mà thâm hụt ngân sách luôn trầm trọng như vậy?”, ông Cung đặt câu hỏi.
Theo CIEM, cơ cấu chi tiêu như thế này mang lại rủi ro rất lớn. Nếu tiếp tục mở rộng chi thường xuyên, và không tăng chi đầu tư thì những rủi ro vĩ mô từng diễn ra trong các năm 2010-2011 có thể lặp lại. Chính phủ đề cập tăng tổng đầu tư lên 35% GDP từ mức 32% GDP (như trong quí 1/2017) thì cũng được nhưng cần lấy nguồn từ bán cổ phần nhà nước để thúc đẩy những dự án lớn chứ không thể có gói kích thích tài chính nào nữa. Tiền bán cổ phần dự kiến hơn 200.000 tỉ đồng trong 5 năm nữa cần được tập trung đầu tư cho những dự án lớn, có cơ chế quản lý chặt chẽ”, ông Cung nói.
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, trong quý I/2017, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá với tổng sản phẩm ước tăng 7,06% (cao hơn quý I/2016 là 6,95%). Dự kiến từ nay đến năm, UBND thành phố sẽ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào việc cải thiện 5 chỉ số còn thấp như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, môi trường cạnh tranh bình đẳng và tính năng động, tiên phong của chính quyền…Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn đầu tư; thu hút đầu tư phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. |