Đổi mới toàn diện ngành sản xuất lúa gạo

Cây lúa - sinh kế chính của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long, cung cấp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, có thời điểm mang về 3,67 tỷ USD cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên ngành hàng lúa gạo đã và đang đối mặt với những thách thức to lớn, đe dọa tới sự phát triển bền vững, sự sống còn của một ngành hàng gắn bó với hàng chục triệu người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sáng 15/3, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị quy mô lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương liên quan; đại diện các Hiệp hội, cơ sở nghiên cứu và nhất là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ nông dân trong vùng.

Đối mặt nhiều thách thức

Không chỉ có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong số ít khu vực trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với đất đai bằng phẳng, màu mỡ và diện tích lớn (gần 2 triệu ha đất lúa và 4 triệu ha gieo trồng), nguồn nước dồi dào do từ dòng sông Cửu Long.


Đây chính là tiềm năng, là động lực phát triển sản xuất lúa gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung của cả vùng, là điều kiện quan trọng để đưa gạo Việt Nam xuất khẩu trên 150 nước, thị trường chính là Trung Quốc (38%), Philippines (9%), Malaysia (9%), Bờ Biển Ngà (9%)… 

Tuy nhiên thực tiễn đang diễn ra trong những năm qua cho thấy ngành hàng lúa gạo đã và đang đối mặt với những thách thức to lớn, đe dọa tới sự phát triển bền vững, sự sống còn của một ngành hàng gắn bó với hàng chục triệu người dân.

Theo các báo cáo tại hội nghị, ước tính 2 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu 787.235 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về trị giá so với cùng kỳ. Bên cạnh kết quả đạt được, hạn chế của ngành lúa gạo được xác định là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%.

Khó khăn lớn của cây lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay chính là biến đổi khí hậu, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Cùng với đó là sự thay đổi căn bản về nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông do hoạt động kinh tế của các quốc gia đầu nguồn. Một trong những giải pháp đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị lần này nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu là sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa theo hướng tùy theo từng vùng, thời vụ mà chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và những loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với đó là bố trí lại vụ gieo trồng cho phù hợp với diễn biến thời tiết, khả năng đáp ứng nguồn nước và các điều kiện cho cây lúa sinh trưởng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nông dân sản xuất lúa gạo của Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn nghèo do hiệu quả kinh tế, thu nhập từ sản xuất lúa gạo còn thấp, người sản xuất được hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa thu được lợi nhuận 35 – 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.

Chính sách cho lúa gạo, tránh “đánh bùn sang ao”

Mặc dù có những tồn tại và thách thức lớn, song, sản xuất lúa gạo vẫn là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vẫn là ngành hàng có nhiều thời cơ do nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên thế giới vẫn tiếp tục tăng 70% so với hiện nay để nuôi sống 9 tỷ người vào năm 2050, trong đó một nửa dân số coi gạo là lương thực chính.

Hội nghị cũng đặt ra chỉ tiêu đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên, tỷ lệ diện tích sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính 10 – 20% so với hiện nay…

Tại hội nghị, đai diện cho khối doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh lúa gạo, lãnh đạo Công ty Cổ Phần Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Trung An đề nghị Chính phủ giải quyết sớm những vướng mắc hiện hữu cản trở hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này; đồng thời việc ban hành chính sách cần có tính thực tế cao, tránh xa vời, “đánh bùn sang ao”.

Làm sao để đời sống người nông dân khá hơn?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, phải làm sao để đời sống người nông dân khá hơn, doanh nghiệp phát triển tốt, thị trường ổn định trong môi trường cạnh tranh cao. Đánh giá cao vài trò của khoa học công nghệ và sự chỉ đạo, điều hành của các địa phương trong vùng, đặc biệt là bà con nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long miệt mài, cần cù “một nắng, hai sương” trên đồng ruộng, Thủ tướng cũng ghi nhận vai trò của các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ gạo thời gian qua, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển ngành sản xuất lúa gạo của cả nước.

Song Thủ tướng cũng nhìn nhận, hiệu quả trồng lúa còn thấp, kể cả sản xuất 3 vụ /năm, lãi gộp cao nhất cũng chưa đến 30 triệu đồng. Trên vựa lúa lớn nhất của đất nước, người nông dân bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ, lúa gạo ở Việt Nam đặc biệt là ở Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mang tầm quốc tế. Lúa gạo đóng vai trò không thể thay thế được trong nông nghiệp Việt Nam - trụ đỡ của nền kinh tế với giá trị xuất khẩu từ nông nghiệp chiếm trên 32 tỷ USD năm 2016; đồng thời có tới 70% dân số cả nước sống ở nông thôn; gần 50% lao động cả nước thuộc lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.

Nhấn mạnh, lúa gạo còn là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, nếu áp dụng sản xuất lớn, kết hợp chế biến sâu, tiếp thị tốt thì hiệu quả kinh tế ngành lúa có thể tăng nhiều lần và tiếp tục sinh lợi cao. Thêm vào đó, xét về điều kiện sinh thái, khó có cây trồng nào có thể thay thế được diện tích lúa trên quy mô lớn ở Việt Nam.

Đặc biệt, nếu có giải pháp khoa học công nghệ tốt còn có thể kết hợp trồng lúa với cây màu, nuôi trồng thủy sản phù hợp với biến đổi khí hậu. Đây còn là truyền thống quý báu của cha ông ta, Thủ tướng nói.

Tránh tình trạng xâm thực gạo

Từ đó, Thủ tướng nêu vấn đề, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới. Việc này đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng chính sách pháp luật đến cấu trúc vận hành, công nghệ sản xuất. Bởi vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới đi kèm những hoạch định chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, để hạt gạo Việt Nam đáp ứng sâu sắc nhu cầu tiêu dùng châu Á và thế giới; đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người trồng lúa ở Việt Nam vàc các doanh nghiệp lúa gạo.

Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới mà phải phấn đấu trong 10 đến 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng và dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới, Thủ tướng nêu rõ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị đổi mới toàn diện ngành sản xuất lúa gạo bằng những giải pháp đột phá về thể chế chính sách và cả mô hình phát triển. Thủ tướng gợi mở, đầu tiên là phải thay đổi quy mô từng nông hộ bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp.

Thủ tướng nêu rõ, phải giữ đất lúa nhưng xem xét lại mùa vụ, xen canh cùng với đất lúa trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học. Không có chủ trương sử dụng đất lúa làm sân golf hoặc sử dụng đất lúa làm xây dựng cơ bản.

Đánh giá, quy trình lúa gạo từ nông dân ra đến các nhà máy chế biến còn đi lòng vòng, phí trung gian lớn, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần xử lý tốt các vấn đề cò lúa, thương lái; cơ cấu hợp lý hơn chi phí lãi vay ngân hàng trong thu mua, chế biến.

Thủ tướng đề nghị ngành hàng lúa gạo cần chú trọng phục vụ tốt hơn thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam, tránh tình trạng xâm thực gạo tại thị trường trong nước.

Về vấn đề thể chế, Thủ tướng đề nghị các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo đuổi một chính sách an ninh lương thực linh hoạt, khôn ngoan. Các bộ liên quan sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi chính sách mở rộng hạn điền. Trong đó, bồi thường thỏa đáng cho người dân trong thu hồi đất, khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp; mở rộng quyền sử dụng đất, bảo hộ quyền này cho doanh nghiệp tư nhân; bãi bỏ quy định không cần thiết để thúc đẩy phát triển lúa gạo.

Phải dựa vào dân, vào khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp nông thôn, chứ không phải dựa vào Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ mong muốn sau hội nghị này, mở ra một chương mới cho ngành sản xuất lúa gạo của vùng và cả nước, tìm ra được một cách làm mới với năng suất, hiệu quả cao hơn, khắc phục tốt những hạn chế, bất cập thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nhà máy Bình Long thuộc Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (ANTESCO). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

* Nhân dịp công tác tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm mô hình chế biến, sản xuất tại Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang tại huyện Châu Phú. Đây là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu các loại rau quả đông lạnh và đóng hộp. Doanh nghiệp này có 49,4% vốn góp của Nhà nước, hiện có 3 nhà máy chế biến rau quả với tổng công suất thiết kế 20.000 tấn/năm. Năm 2017, công ty đặt mục tiêu doanh thu 336 tỷ đồng.

Quang Vũ - Vương Trung (TTXVN)
Thủ tướng: An Giang cần nâng cao chất lượng lương thực xuất khẩu
Thủ tướng: An Giang cần nâng cao chất lượng lương thực xuất khẩu

Trước thềm Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiều 14/3, tại Thành phố Long Xuyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh An Giang – một trong những thủ phủ lúa gạo của thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN