Tham gia đoàn có đại diện Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.
IPU COP26 là một trong các sự kiện do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Nhóm nghị sĩ Vương quốc Anh tại IPU tổ chức, là một phần trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhằm thể hiện vai trò, tiếng nói của các nghị viện và các nghị sĩ trong nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; thể hiện sự ủng hộ, đồng hành về mặt chính trị của nghị viện đối với chính phủ các nước trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Tham gia Hội nghị IPU COP26 năm nay có khoảng 200 nghị sĩ đến từ các nước, đại diện cho các châu lục trên thế giới. Mục tiêu của Hội nghị IPU COP26 là ủng hộ các nỗ lực trong tiến trình đàm phán của Kỳ họp COP 26 gồm: cắt giảm khí thải nhằm đạt cân bằng trung hòa phát thải vào năm 2050 và giữ được mục tiêu nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp hóa; thích ứng bảo vệ các cộng đồng và các hệ sinh thái tự nhiên; huy động tài chính để thực hiện cam kết của các nước phát triển trong việc hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác nhằm thực hiện được các mục tiêu đặt ra.
Tại phiên khai mạc, báo cáo viên của Nghị viện Anh, Chủ tịch IPU và Nhóm nghị sĩ Vương quốc Anh tại IPU đã khẳng định vai trò quan trọng của Nghị viện các nước trong tiến trình đề ra và thực hiện các mục tiêu của COP. Từ sau khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015, các kỳ họp COP là dịp để các bên cùng bàn bạc, đám phán và thống nhất các giải pháp thúc đẩy thực hiện thỏa thuận này. Bên cạnh đó, có một số tham luận của các báo cáo viên từ Nghị viện Canada, Chương trình Lương thực thế giới, Nghị viện Vương quốc Anh về chủ đề biến đổi khí hậu và phục hồi sạch, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và sự phát triển.
Tại IPU COP26, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia ý kiến trong cả ba phiên thảo luận chuyên đề, gồm: Phiên kêu gọi hành động của Nghị viện đối với vấn đề biến đổi khí hậu; Phiên thảo luận về Tài chính cho ứng phó với Biến đổi khí hậu; Phiên thảo luận về Thiệt hại và mất mát do Biến đổi khí hậu. Tham gia IPU COP26, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam mang tới thông điệp rõ ràng về việc tiếp tục phát huy vai trò của nghị viện các nước trong thúc đẩy cách tiếp cận phát triển xanh, tăng trưởng xanh nhằm phục hồi hậu COVID-19 ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó khuôn khổ chung là các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Bên lề phiên khai mạc, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn nghị sĩ của Hàn Quốc, Trưởng đoàn nghị sĩ của Vương quốc Anh. Tại các cuộc tiếp xúc, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đều khẳng định cơ quan lập pháp Việt Nam ủng hộ sáng kiến của Nghị viện các nước trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và ủng hộ Chính phủ Việt Nam về việc đưa ra các cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính và tham gia các sáng kiến giảm phát thải, trong đó có giảm phát thải khí methane được thảo luận tại COP26. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã bày tỏ lời cảm ơn các đoàn Hàn Quốc và Vương quốc Anh vì sự hỗ trợ của các nước này cho Việt Nam về vaccine và trang thiết bị phòng, chống đại dịch COVID-19. Đồng thời, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội Hàn Quốc, Nghị viện Vương quốc Anh tiếp tục ủng hộ cho việc tăng cường hơn nữa các mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Vương quốc Anh. Quốc hội mỗi nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn nghị viện quốc tế.
Đoàn Hàn Quốc đánh giá cao những đóng góp của Quốc hội Việt Nam đối với những vấn đề chung của thế giới và mong rằng quan hệ nghị viện giữa hai nước ngày càng phát triển. Đồng chí Lê Quang Huy - Trưởng đoàn Quốc hội Việt Nam dự IPU COP26 - khẳng định, tiếp nối kết quả cuộc gặp cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, việc hai trưởng đoàn đại biểu Quốc hội gặp nhau tại diễn đàn của IPU COP26 để bàn về vấn đề biến đổi khí hậu càng làm cho mối quan hệ hai bên thêm sâu sắc. Hai trưởng đoàn cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác cùng nhau vượt qua khủng hoảng và phục hồi kinh tế là hết sức cần thiết và mong rằng việc hợp tác giữa hai nước không chỉ về kinh tế mà còn các lĩnh vực khác và mong muốn mối quan hệ giữa hai nước thêm tốt đẹp và nâng lên tầm cao mới. Các nghị sĩ cũng hy vọng sẽ có nhiều dịp để có thể gặp gỡ, trao đổi trên các diễn đàn nghị viện đa phương ở trong khu vực và trên thế giới.
Trong cuộc tiếp xúc với Trưởng đoàn nghị sĩ Anh tại IPU COP26, các nghị sĩ đã vui mừng và phấn khởi được gặp gỡ và tiếp xúc trong bối cảnh nhiều hội nghị trực tiếp trong hơn một năm qua bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Trưởng đoàn nghị sĩ Vương quốc Anh - bà Harriett Baldwin chào mừng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đến tham dự hội nghị, đồng thời mong muốn qua sự kiện này, mối quan hệ giữa nghị viện cũng như cá nhân các nghị sĩ thêm củng cố và bền chặt. Bà cũng giới thiệu và nhấn mạnh Vương quốc Anh có thế mạnh trong việc phát triển năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời và cho rằng xu thế hiện nay phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là tất yếu. Bà cũng chia sẻ sự cảm thông về việc Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiệm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu và mong rằng Việt Nam sớm có giải pháp hữu ích để ứng phó với những hệ quả của biến đổi khí hậu, đặc biệt bảo vệ được vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong buổi tiếp xúc, Trưởng đoàn Việt Nam đã chúc mừng và cảm ơn nước chủ nhà Vương quốc Anh đã tổ chức thành công Hội nghị IPU COP26, tạo điều kiện để các nghị sĩ trên toàn thế giới cùng hội tụ, thể hiện quan điểm và sự ủng hộ đối với chính phủ các nước tại COP26. Trưởng đoàn Việt Nam bày tỏ mong muốn rằng các nghị sĩ Vương quốc Anh tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp, tham gia hợp tác trên một số lĩnh vực về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm một xã hội phát triển bền vững.
Kết thúc Phiên làm việc thứ nhất, Hội nghị IPU COP26 đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, liên quan đến hành động của nghị viện và trách nhiệm của các nghị sĩ trong việc đồng hành cùng chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu tham vọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.