Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hoàng cho biết: Qua hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 thành phố đã có hơn 2.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 690 doanh nghiệp giải thể. Trong đó, du lịch là một trong những ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế của thành phố bị thiệt hại nặng nề do dịch. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào hoạt động du lịch ước 3,2 tỷ USD được đầu tư vào các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, xe vận chuyển, tàu thuyền… nhưng phải dừng khai thác vì dịch COVID-19.
Đến hết năm 2021, khoảng 80% doanh nghiệp du lịch vẫn phải tạm dừng hoạt động tương đương với 42.000 lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp liên quan đến du lịch đã và đang thất nghiệp và chuyển sang làm ngành nghề khác. Đặc biệt có trên 223.000 lao động tự do ở các lĩnh vực phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất (ước tính có hơn 58.000 người bị mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 8,3% (cuối năm 2021).
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, thực hiện chủ trương vừa phòng, chống dịch và duy trì phát triển sản xuất và hỗ trợ cho người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch, thành phố đã triển khai thực hiện các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các kế hoạch, đề án, chương trình để hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động. Hiện nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 32.200 lao động, trong đó số lao động có việc làm tăng thêm là 18.500 lao động. Ngoài ra, trong năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân 20.787 dự án vay vốn giải quyết việc làm với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20.828 lao động (mức vay bình quân 48,3 triệu đồng/ lao động). Trong 2 năm qua, thành phố không có tình trạng ngừng việc tập thể, đình công xảy ra.
Thực hiện triển khai các chính sách của Trung ương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng cho hay, đến ngày 31/3/2022 thành phố đã thực hiện hỗ trợ với số tiền hơn 268 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn thành phố với tổng số tiền 549,81 tỷ đồng và giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động 28,51 tỷ đồng…
Thành phố Đà Nẵng cũng ban hành nhiều chính sách đặc thù riêng của thành phố để hỗ trợ 16 nhóm đối tượng người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến và đại biểu của các sở, ngành của thành phố đã có các trao đổi, kiến nghị, đề xuất về các khó khăn, vướng mắc về vấn đề việc làm, thị trường lao động; vấn đề quản lý người lao động nước ngoài; về thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao các kết quả mà thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động và tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh, thị trường lao động sau dịch COVID-19.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận các kiến nghị, trao đổi của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để có những nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi các chính sách hỗ trợ cho phù hợp trong thời gian tới; đồng thời đề nghị thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh việc triển khai chính sách mới về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 của Chính phủ.