Điểm dân cư gắn kết chốt dân quân biên giới - Bài 1: Thắt chặt tình quân dân

Xây dựng khu dân dân cư liền kề chốt biên giới là một chủ trương hiện thực hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ biên giới, thể hiện tầm nhìn chiến lược bảo vệ Tổ quốc, phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong giữ gìn đường biên, mốc giới, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

 Bài 1: Thắt chặt tình quân dân

Sau hơn 3 tháng xây dựng, ngày 29/7, Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, đã được hoàn thành, bàn giao cho người dân. Đây là điểm đầu tiên đánh dấu quá trình hiện thực hóa Đề án xây dựng Điểm dân cư biên giới liền kề Chốt dân quân biên giới (Đề án) do Quân khu 7 triển khai, thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương” và nỗ lực củng cố, phát triển thế trận quốc phòng toàn dân, tăng cường hiệu quả quản lý biên giới và phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới thuộc địa bàn Quân khu.

Giữ nhà, giữ đất, giữ biên cương

Chú thích ảnh
Điểm dân cư liền kề nằm cách Chốt dân quân biên giới Bến Cừ chỉ 300m, tạo cơ sở hậu phương vững chắc cho các dân quân yên tâm trong công tác bảo vệ biên giới quốc gia.

Công trình xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt biên giới Bến Cừ cũng là Điểm dân cư biên giới đầu tiên của Đề án do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư và thi công, gồm 5 căn nhà cấp 4 liền kề với diện tích 83 mét vuông mỗi căn. Giá trị xây dựng một căn nhà là khoảng 130 triệu đồng, trong đó Quân khu 7 hỗ trợ 90 triệu đồng, phần còn lại do UBND tỉnh Tây Ninh hỗ trợ.

Cùng với nhà ở, mỗi hộ gia đình còn được bố trí 500 mét vuông đất xây dựng, 1 ha đất sản xuất nông nghiệp và được thụ hưởng hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt do Quân khu 7 đầu tư bằng nguồn vốn tài trợ từ các doanh nghiệp.

Anh Huỳnh Văn Hữu, 24 tuổi, người xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, dân quân thường trực tại Chốt dân quân biên phòng Bến Cừ, là một một trong 5 người được nhận nhà theo Đề án tại Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ.

Trước đây, vợ anh ban ngày làm ở xí nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Phước Đông, Gò Dầu, buổi tối ở nhà với mẹ cách chốt cả chục km nên việc gia đình nhỏ của anh được quây quần cùng nhau cũng không hề dễ. “Tôi dự định sẽ nghiên cứu trồng một loại cây hoa màu nào đó trên diện tích đất được cấp. Trước mắt thì cứ dọn dẹp nhà cửa, đón vợ con lên đây ở cùng cho gần gũi. Bố mẹ tôi rất vui khi biết tôi được nhận căn nhà này, vì đây là một tài sản quá lớn so với khả năng của vợ chồng tôi, mà nếu chỉ làm thuê, làm mướn thì khó mà có được”, vừa trân trọng treo bức ảnh Bác Hồ lên chính giữa căn nhà mới, anh Huỳnh Văn Hữu vừa chia sẻ dự định tương lai.

Láng giềng của anh Hữu là anh Trần Thanh Tòng, 32 tuổi, cũng là dân quân thường trực tại Chốt dân quân biên phòng Bến Cừ, đang trong tâm trạng háo hức vui mừng vì nhận được căn nhà khang trang với đầy đủ công trình phụ trợ, lại thêm các điều kiện đảm bảo cho cuộc sống, công việc làm ăn của cả gia đình.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên (26 tuổi), vợ anh Tòng cho biết, trước đây anh Tòng phải ở rể; do không có nhà riêng nên dù cưới nhau 4 năm nhưng hai vợ chồng vẫn chưa dám có con. “Nay được phân căn nhà mới và 1 ha đất được giao ngay bên cạnh Chốt, không chỉ giúp vợ chồng tôi chuyên tâm chăm lo phát triển kinh tế gia đình, mà chúng tôi cũng đã đặt ra kế hoạch sinh con ngay trong năm nay”, chị Cẩm Tiên chia sẻ trong nỗi vui mừng xen chút bẽn lẽn.

Tiếp lời vợ trong sự xúc động, anh Tòng  quả quyết: “Giờ đây, chúng tôi có thêm động lực để làm tốt nhiệm vụ canh phòng biên giới, vì đây là ruộng đất, nhà của chúng tôi, với những người thân yêu nhất. Chúng tôi hiểu hơn ai hết sự cần thiết bảo vệ đường biên giới khỏi mọi sự xâm lấn từ bên ngoài, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội vùng biên giới và cũng mong muốn hơn ai hết việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, phát triển”.

Từ xa, 5 căn nhà của Điểm dân cư biên giới mới xây liền kề Chốt dân quân biên phòng Bến Cừ với lá cờ Tổ quốc tung bay nổi bật trên nền xanh của những cánh đồng mía và hoa màu như biểu hiện rõ ràng cho một sức sống mới trên vùng đất biên cương.

Với hàng cột điện chạy dọc con đường mới mở kết nối Điểm dân cư với đường tuần tra biên giới, với khu dân cư hiện hữu cách đó 4 km, sự xuất hiện của Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ và những chủ nhân trẻ tuổi đầy hoài bão đang mang đến niềm hy vọng đánh thức cả một vùng đất biên cương vốn xưa nay chỉ toàn một màu xanh của ruộng đồng.

Chung tay cho mục tiêu lớn

Chú thích ảnh
Điểm dân cư liền kề nằm cách Chốt dân quân biên giới.

Chia sẻ về quá trình triển khai Đề án, Đại tá Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 7 cho biết: Việc triển khai Đề án trên thực tiễn là một nội dung làm việc mới,  liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhất là được triển khai trên tuyến biên giới vốn được coi là một địa điểm rất nhạy cảm, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ rất cao từ các đơn vị chức năng của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Chỉ huy quân sự Tây Ninh, Bình Phước, Long An và các sở, ngành, địa phương nằm trong Đề án.

Thuận lợi lớn cho việc xây dựng các Điểm dân cư biên giới là chủ trương của Quân khu nhận được sự đồng thuận rất cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn Quân khu, đặc biệt là các địa phương có biên giới giáp với Campuchia là Tây Ninh, Bình Phước, Long An.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng ban Dân vận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh cho biết, trong quá trình xây dựng Điểm dân cư biên giới đã phát sinh rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh và đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, nên việc xây dựng 2 Điểm dân cư trên địa bàn biên giới Tây Ninh đã được triển khai đúng kế hoạch và đảm bảo các yêu cầu của Đề án.

Những khúc mắc như vấn đề pháp lý cho diện tích đất sản xuất cấp cho các hộ dân thuộc Điểm dân cư; khó khăn trong triển khai hệ thống điện, nước, kết nối giao thông giữa Điểm dân cư với hệ thống Chốt biên giới, đồn, trạm biên phòng đã được các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp giải quyết kịp thời, đảm bảo tiến độ của Đề án.

“Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thực hiện Đề án phải đặt quyết tâm chính trị thật cao và bàn bạc để làm cho bằng được. Nhờ vậy, từ khi có Quyết định triển khai Đề án đến ngày khởi công Điểm dân cư đầu tiên chỉ mất chưa đầy một tháng và cũng chỉ hơn 3 tháng sau, Điểm dân cư đầu tiên tại Bến cừ đã hoàn thành”, Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng nhấn mạnh.

Chung niềm vui với những chiến sỹ dân quân Bến Cừ, ông Châu Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Điền cho biết: "Xây dựng được Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân Bến Cừ không chỉ là lo chỗ ăn, chỗ ở, mà ý nghĩa hơn cả đối với chính quyền và nhân dân ấp Bến Cừ là đường điện đến tận Chốt ngay bên biên giới, giúp anh em dân quân thoát khỏi cảnh tù mù của đèn dầu. Từ nay, anh em dân quân sẽ yên tâm hơn trong công tác bảo vệ đường ranh, mốc giới khi đã có những điều kiện đảm bảo cho sinh hoạt, học tập, công tác”.

Bài 2: Biên giới lòng dân

Bài và ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
'Hút' doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, biên giới, hải đảo
'Hút' doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, biên giới, hải đảo

Khu vực miền núi, biên giới, hải đảo là những vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên và có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, nhất là phát triển các đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn khiến hoạt động thương mại chưa thực sự phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN