Những năm qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xây dựng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới và chủ quyền lãnh thổ. Có được thành công này là nhờ mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tạo lập lòng tin, tình đoàn kết, xây dựng được “biên giới trong lòng dân” đối với đồng bào.
Dấu ấn đường tuần tra
Vượt cung đường dài hơn 250km bằng xe máy trên tuyến Quốc lộ 12, 4H, chinh phục dốc Pa Tần cao gần bằng đèo Pha Đin, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Leng Su Sìn khi mặt trời sắp lặn. Đêm biên cương ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam- Trung Quốc-Lào tĩnh lặng, vẳng lại đâu đó từ đại ngàn rừng già Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là tiếng kêu của những loài chim đi kiếm ăn đêm. Khuya, tiếng dòng suối Mo Pí chảy từ phía thượng nguồn Sín Thầu vọng đều vào vách đá. Tại miền biên cương này, ban ngày nắng gay gắt như hắt lửa khiến lá rừng khô khốc nhưng đêm về nền nhiệt giảm sâu, hơi lạnh thấm qua từng lớp chăn ấm.
Sáng sớm, khi sương đêm còn phủ kín những ngọn núi trên dãy Pu Đen Đinh, chúng tôi kiểm tra lại đồ dùng một lần nữa rồi nhanh chóng nhập đội hình cùng tổ tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc do Trung úy Nguyễn Văn Tùng, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng Leng Su Sìn dẫn đầu, lên đường.
Trước khi “phát lệnh” rời Đồn, Trung úy Nguyễn Văn Tùng cho biết, việc tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Hằng tuần, hằng tháng, đơn vị đều phối hợp cùng lực lượng dân quân, người dân trong bản tổ chức các đợt tuần tra. Đặc thù biên giới nên đường tuần tra rất khó khăn, phải đi nhiều ngày/đợt tuần tra, vì vậy cần mang theo nước uống, đồ đạc, thực phẩm để nấu ăn dọc đường.
Leng Su Sìn, Chung Chải là những địa bàn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, thường xuyên có các hoạt động vi phạm xảy ra ở khu vực biên giới như: Vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới, vi phạm đường biên, cột mốc; vi phạm về quy chế biên giới như xâm canh, xâm cư, quá cảnh qua biên giới; vi phạm về bảo vệ rừng...
Hành trình tuần tra, chúng tôi phải lội qua từng đoạn suối sâu chia cắt những con đường mòn, đi qua các cây cầu treo. Đặc biệt chúng tôi vượt qua những ngọn đồi cắt ngang lưng chừng núi và có lúc phải luồn dưới tán rừng già đầy muỗi, vắt. Trên đường đi, ở giữa đỉnh núi cao hay lưng chừng núi, khi phóng tầm mắt ra xa nhìn xuống, các bản làng Á Di, Phứ Ma, Suối Voi, Gia Chứ… của cộng đồng dân tộc Mông, Hà Nhì dưới chân núi, thung lũng xa quần tụ như những chiếc bát úp.
Trời về trưa, chúng tôi “nếm đủ” vất vả khi gặp con dốc trơn trượt, rồi bất chợt cơn mưa rừng đổ xuống làm quần áo ướt sũng, cả cơn khát, những lần ngã và từng trận thở dốc như muốn hụt hơi. . . Nhưng khi bắt gặp cột mốc biên giới, sự mệt mỏi của chúng tôi nhanh chóng tan biến, thay vào đó là niềm vui, lòng tự hào dân tộc khi được chạm vào cột mốc chủ quyền linh thiêng.
Phút dừng chân giải lao giữa rừng, các chiến sĩ trong tổ tuần tra chia sẻ, địa bàn quản lý chủ yếu là núi đồi, đa phần đường biên cột mốc đều nằm ở đại ngàn rừng già nên quá trình tuần tra phải có những “cải biến” để “thích ứng” với môi trường rừng núi.
Mỗi chuyến đi, tổ tuần tra phải chuẩn bị nguồn nước uống, các dụng cụ và thực phẩm để nấu dọc đường. Khi nước hết thì lấy ở các khe suối, mó nước bắt gặp trên đường, nếu không sẽ căng nilon hứng sương đêm. Đường tuần tra bất kể mùa khô hay mùa mưa, nguồn nước là quan trọng nên mọi thành viên trong đoàn đều ý thức việc sử dụng nước tiết kiệm.
Đêm ngủ lại trong rừng, đối mặt với cái lạnh cắt da, cắt thịt ở độ cao hàng trăm mét trên núi, tổ công tác phải tìm hoặc tạo nên chỗ đất bằng rồi trải lá khô, áo mưa để có chỗ nằm. Anh em chiến sĩ mặc thêm quần áo ấm, sau đó cắt cử, thay phiên canh gác, chia giấc ngủ cho nhau.
Biên giới trong lòng dân
Với phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đã quán triệt và thực hiện tốt “ba bám, bốn cùng” với người dân, cấp ủy chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững mạnh.
Thiếu tá Chu Ngọc Lệ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn cho biết, những năm qua, đơn vị đã giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới sửa chữa, làm mới nhiều đường giao thông nông thôn; sửa hệ thống kênh mương nội đồng; tham gia giúp nhân dân thu hoạch hoa màu, khai hoang diện tích trồng lúa, nương… Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả phong trào thi đua "Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp nhiều bản làng trở thành những điểm sáng văn hóa ở khu vực biên giới.
Đại úy Mai Xuân Thuận, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Leng Su Sìn chia sẻ, địa bàn 2 xã Chung Chải và Leng Su Sìn đơn vị quản lý có diện tích rộng (gần 40.000 ha), hơn 1.660 hộ, hơn 8.200 nhân khẩu, sinh sống ở hơn 20 bản. Do vậy, công tác biên phòng đối với các cán bộ, chiến sĩ đơn vị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần và trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đã vượt qua tất cả để thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị. Qua việc cấp phát thuốc, khám chữa bệnh; tuyên truyền cho nhân dân đưa con em đến trường, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; tham gia khắc phục thiên tai… càng làm cho tình đoàn kết quân dân giữa cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị với cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thêm bền chặt, đoàn kết.
Những già làng, trưởng bản người Hà Nhì nơi đây kể lại, đồng bào vẫn nhắc và nhớ ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn khi đã mang hạt thóc miền xuôi lên đây, sau đó truyền dạy cho nhân dân biết cách trồng lúa nước, thoát khỏi cuộc sống nhờ vào củ sắn, bắp ngô trên nương, săn bắt thú trong rừng. Người Hà Nhì không còn sống rải rác trên núi cao quanh năm mây mù bao phủ mà xuống vùng thấp định cư cũng nhờ nghe lời vận động, tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng.
Nhắc đến “dấu mốc” quan trọng này, người dân nơi đây lại nhớ về Liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Thọ, nguyên Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn 5, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên). Cách đây gần 60 năm, khi đặt chân về đây, Thiếu úy Trần Văn Thọ đã gom dân, lập bản rồi đi bộ về xuôi gùi lên một gùi thóc giống, một lưỡi cày. Sau đó anh lấy sức kéo của gia súc cày bừa đất, bắt tay be bờ làm ruộng và dạy dân trồng lúa nước. Ngoài ra, anh cùng với cán bộ, chiến sĩ trong Đội vận động quần chúng giúp dân xây dựng bản, dạy trẻ em múa, hát, học chữ, vận động người dân từ bỏ hủ tục, không nghe theo lời kẻ xấu… Ấn tượng về hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh dân quý, dân thương, “miền biên cương trong lòng dân” được tạo lập từ những năm tháng đó.
Thiếu úy Trần Văn Thọ mất khi mới 26 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tháng 7/1967. Thiếu úy Trần Văn Thọ là một trong những anh hùng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).
Cực Tây nói chung, vùng đất biên viễn Leng Su Sìn, Chung Chải nói riêng hôm nay khoác lên mình một màu áo mới: Kinh tế-xã hội phát triển, giao thông thuận lợi, tình hình an ninh quốc phòng ổn định, đời sống nhân dân được nâng lên khi nhận thức, tư duy của cộng đồng các dân tộc đã khác trước. Nạn chặt phá rừng làm nương, di dịch cư đã không còn xảy ra; an ninh biên giới đất liền, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Những thành quả đó có một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng Biên phòng Leng Su Sìn.
Ông Lỳ Xè Chừ, Phó Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Bộ đội Biên phòng đã trực tiếp xuống địa bàn với phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc, cùng làm) để tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng bản làng. Qua đó càng thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân, củng cố lòng tin của người dân với lực lượng Biên phòng.