Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.
5 năm qua, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam luôn bám sát Kết luận 102 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, về hoạt động của Hội để chủ động đề ra các hương trình công tác sát đúng, kịp thời lãnh đạo cơ quan Trung ương Hội và các tổ chức hội thực hiện hiệu quả.
Các cấp Hội tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động sáng tạo, phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Do đó, những sự kiện trọng tâm và nổi bật trong năm đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Hoạt động ở các cấp hội ngày càng đi vào chiều sâu và có tính chuyên môn cao, vai trò uy tín của tổ chức Hội nhà báo Việt Nam ngày càng được tăng cường trong đời sống xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Hội Nhà báo Việt Nam là cơ quan có sự tin cậy cao về tổ chức hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các hoạt động của Hội đã diễn ra sôi nổi, tích cực.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, để đảm bảo toàn diện hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, còn một số vấn đề cần quan tâm hơn. Kết luận 102 của Bộ Chính trị về Hội Quần chúng có chủ trương giao khoán kinh phí cho tất cả các Hội Quần chúng, song thời gian qua quá trình này vẫn chưa được chuyển giao.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, đây là nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo cần tiếp tục làm việc với tất cả các Hội nhằm đưa ra đánh giá tổng quát, khách quan; để các tổ chức quần chúng hoạt động theo hướng tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, hoạt động đúng theo điều lệ.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đưa ra đề xuất, ý kiến góp ý về quá trình chuyển sang cơ chế khoán kinh phí hoạt động, khoán biên chế... nhằm tạo cơ chế, chính sách đảm bảo để Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.