Đại lễ Vu Lan 2016 tri ân các anh hùng liệt sĩ

Ngày 21/8, Đại lễ Vu Lan báo hiếu năm 2106 đã được tổ chức trang trọng tại Trung tâm thương mại Sapa ở thủ đô Praha của CH Séc với điểm nhấn là phần tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo quê hương.

Hòa thượng Thích Thiện Bảo tiến hành pháp thoại tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Mai

Đại lễ Vu Lan báo hiếu năm nay do Hội Phật tử Việt Nam tại CH Séc tổ chức đã thu hút sự tham dự của hàng trăm Phật tử cùng đông đảo bà con kính mến đạo Phật làm ăn, sinh sống tại CH Séc.

Bên cạnh việc thực hiện các nghi lễ truyền thống như lễ dâng hoa cúng dường, lễ dâng hoa tri ân, cảm niệm Vu Lan, lễ cài hoa hồng, dâng sớ cầu siêu…, những người tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu đã cùng lắng nghe pháp thoại của Hòa thượng Thích Thiện Bảo, Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhân lễ Vu Lan báo hiếu. Hòa thượng Thích Thiện Bảo đã nhắc lại ý nghĩa của ngày Vu Lan, nêu bật tinh thần đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, ơn cha nghĩa mẹ của người Việt và nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam dù ở đâu vẫn không xao lãng việc giáo dục con cái truyền thống hiếu thảo và quan tâm sâu sắc đến việc gìn giữ cội nguồn dân tộc cho các thế hệ sau.

Hòa thượng Thích Thiện Bảo khẳng định rằng trong lịch sử dân tộc những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước luôn được ghi nhớ và tri ân xứng đáng. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu cũng chính là dịp để cộng đồng người Việt tại Séc thể hiện tấm lòng ghi nhớ công lao đóng góp của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho biển đảo, bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Lễ bông hồng cài áo tri ân cha mẹ. Ảnh: Ngọc Mai

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, nhân chuyến công tác tại châu Âu để vận động đóng góp cho Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”, đã tới dự Đại lễ Vu Lan ở Praha. Bà cho biết, hầu hết bà con trong cộng đồng Việt Nam tại các nước mà đoàn công tác đã đi qua đều bày tỏ cảm động khi được nghe báo cáo và xem những thước phim phóng sự về CLB “Vì Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu”. Qua đó bà con đã hiểu một cách đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, thấy rõ ý nghĩa của công việc đào tạo nguồn nhân lực cho biển đảo và thấy được trách nhiệm của mình cần chung tay chung sức để góp phần chăm lo cho biển đảo thân yêu.

Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà còn là dịp để những người con đất Việt hiếu thảo xa quê hương tụ hội để cùng hướng về cha mẹ, hướng về quê hương, đất nước và cũng là dịp khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là tâm sự của bà Minh Nguyệt, một người hoạt động nghệ thuật kỳ cựu trong cộng đồng tại CH Séc.

Bà Minh Nguyệt cho biết, lễ Vu Lan hàng năm là dịp để các phật tử và những người kính yêu đạo Phật cùng nhau nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương, đồng thời giáo dục cho con cháu, cho thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt sinh ra là lớn lên tại Séc không quên nguồn cội dân tộc của mình.

Ngọc Mai – Hồng Tâm (P/v TTXVN tại CH Séc)
Nếu cài lên ngực bông hoa đỏ, bạn làm gì trong tiết Vu Lan?
Nếu cài lên ngực bông hoa đỏ, bạn làm gì trong tiết Vu Lan?

Trong tiết Vu Lan năm nay, tạm gác lại những bộn bề ồn ào phố thị, những mải mốt với trách nhiệm gia đình trong vai trò người vợ, người mẹ có con nhỏ; tôi đã lắng mình trong những sẻ chia về ý nghĩa tiết Vu Lan, mùa hiếu hạnh trong đạo Phật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN