Theo dự thảo Nghị quyết, một số hàng hóa, dịch vụ đang áp thuế suất 10% tiếp tục được giảm 2%, về mức còn 8%. Chính sách giảm thuế này được đề nghị kéo dài tới hết năm 2024. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm 2% thuế GTGT bao gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc giảm thuế GTGT tuy tác động trực tiếp đến làm giảm thu ngân sách, nhưng theo Chính phủ, chính sách này sẽ giúp hạ chi phí sản xuất và giá bán nên kích thích sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), bối cảnh hiện nay sức cầu trong nước đang rất thấp, nên giảm thuế giá trị gia tăng làm giảm hàng hoá dịch vụ xuống, đặc biệt là hàng hoá dịch vụ thiết yếu, từ đó tác động đến kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế khi triển khai giảm thuế GTGT 2%, số lượng người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm thuế này không nhiều, trừ trường hợp những người này đi mua hàng hoá dịch vụ phải có hoá đơn, khi đó mới có chuyện giảm 2%. Song hiện nay, phần lớn hàng hoá dịch vụ đang tiêu dùng phổ biến là không có hoá đơn. Hầu hết là người cung cấp dịch vụ được hưởng lợi, về bản chất mục tiêu của việc giảm thuế GTGT 2% không đạt được.
“Mặc dù vậy, nhiều địa phương đều nói việc giảm thuế GTGT sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách ở địa phương nhưng các địa phương đều khuyến nghị nên giảm vì có tác động tốt đến phục hồi sản xuất”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Theo đại biểu, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đặt mục tiêu, lộ trình là sẽ tăng dần thuế suất giá trị gia tăng. “Tôi cho rằng đây là vấn đề rất cần phải cân nhắc. Vì hiện nay chúng ta đang muốn khuyến khích sản xuất, muốn thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế. Nếu tăng thuế GTGT lên trên 10% thì có thể tác động ngược lại”, đại biểu nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu, so với mặt bằng chung của thế giới, hiện nay thuế GTGT của Việt Nam là thấp, bình quân thế giới là 15%. Nhưng so với nhóm nước đang phát triển thì mức thuế này của Việt Nam đang cao hơn, vì vậy cần phải cân nhắc.
Đại biểu Đoàn TP Hà Nội cho rằng, cải cách thuế thì cần, nhưng chúng ta còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác, điển hình như thuế tài sản. Hiện thuế tài sản của ta hiện nay hầu như chưa có, chưa thu được đồng nào. Trong khi đó, thuế tài sản là sắc thuế điều tiết thu nhập, điều tiết hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, nhất là nhóm người có thu nhập cao, tài sản lớn, thậm chí còn mang lại lợi ích trong kinh doanh rất lớn…
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, nếu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 5% đối với phân bón nhập khẩu, điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu nhưng ở góc độ người nông dân sẽ chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, rất bất lợi cho sản xuất. Vì thế, đại biểu cho rằng không nên áp dụng quy định này.
Bàn về nội dung này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi chịu tác động từ dịch COVID-19, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua chính sách giảm 2% thuế GTGT cho một số mặt hàng đang áp thuế suất 10% để làm đòn bẩy, phục hồi nền kinh tế.
Việc giảm thuế GTGT đã mang lại nhiều lợi ích nhưng kinh tế phục hồi chưa vững chắc. Do đó, Chính phủ đề nghị tiếp tục giảm thuế GTGT, áp dụng từ 1/1/2024 – 30/6/2024. Tới kỳ họp thứ 7, kinh tế tiếp tục còn khó khăn nên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục kích cầu và đề xuất kéo dài chính sách này tới hết năm 2024.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, việc giảm thuế GTGT góp phần tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng, làm tăng doanh số bán ra, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế. Chính sách này giúp giảm giá cả hàng hóa, khống chế được lạm phát, giữ được lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
“Thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ, chính sách giảm thuế sẽ làm giảm khoảng 4.000 tỷ tiền thu vào ngân sách Nhà nước. Nếu áp dụng 6 tháng, dự kiến giảm 24.000 tỷ. Nhưng thực tế, việc giảm thuế lại khuyến khích tăng tiêu dùng nên thu thuế lại không giảm. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước tăng gần 15% so với cùng kỳ”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân ủng hộ việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế 2%.
Tuy nhiên, Đại biểu đề xuất, nếu thấy chính sách này là hữu ích, không vi phạm điều ước quốc tế thì nên áp dụng luôn trong thời gian dài, thay vì 6 tháng như hiện nay. Theo ông, nên áp dụng tới hết năm 2025 hoặc tới khi Luật thuế GTGT (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực.