Dự thảo Luật gồm 4 chương, 18 điều, trong đó giữ nguyên 5 điều tại Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung 11 điều; bổ sung một điều quy định về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng; bổ sung một điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.
Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) chỉ rõ, một số điều còn chung chung, đặc biệt có đến 10 điều giao Chính phủ quy định chi tiết là khá nhiều so với bố cục điều khoản của dự thảo Luật. Do đó, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết, cố gắng quy định rõ ngay trong luật để thực hiện thống nhất, đồng thời nâng cao tính khả thi của các nội dung sửa đổi, tránh tình trạng Luật có hiệu lực lại chờ văn bản hướng dẫn thi hành.
Về đối tượng không chịu thuế, khoản 25 điều 5 dự thảo Luật quy định: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định; tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí, lệ phí.
Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể vào Luật: ngưỡng của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu cụ thể là bao nhiêu sẽ thuộc đối tượng không chịu thu. "Nếu giao Chính phủ quy định cụ thể như dự thảo Luật là chưa phù hợp", đại biểu Lê Thị Thanh Lam nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Kim Yến (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần giữ nguyên mức chịu thuế 0% như Luật hiện hành thay vì là 5% như trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Bởi việc tăng thuế mặt hàng này, chính người nông dân sẽ là đối tượng chịu tác động lớn nhất, tạo áp lực lớn đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng giá trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng. Đại biểu đề nghị cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật. Trường hợp cần thiết hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên có thể áp dụng thuế suất 0% với mặt hàng phân bón, do phân bón là nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta nên có thể áp dụng ưu đãi thuế ở mức độ cao hơn.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong 26 nhóm này (bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ (Luật Thủy sản đã thay tên gọi mới là tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển); lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.
Dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa.
Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về việc bổ sung đối tượng áp dụng thuế suất 5%, dự thảo Luật chuyển các loại hàng hóa, dịch vụ như phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.
Trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.