Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tham dự hội thảo có Chủ tịch Nghị viện vùng thủ đô Brussels Rachid Madrane, Bộ trưởng Quốc vụ, cựu Chủ tịch Hạ viện Bỉ André Flahaut, cùng các đại sứ, trưởng phái đoàn ngoại giao các nước Pháp ngữ tại Bỉ.
Diễn giả Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nghị viện vùng Brussels Rachid Madrane nhấn mạnh bất bình đẳng giới về kinh tế vẫn tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Phụ nữ bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận thị trường lao động và phát triển sự nghiệp. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng bị ảnh hưởng của nghèo đói và bị bóc lột. Cuộc khủng hoảng COVID đã làm gia tăng những bất bình đẳng này. Phụ nữ là những nạn nhân kinh tế đầu tiên của đại dịch.
Bộ trưởng Quốc vụ Bỉ André Flahaut khẳng định vị trí của phụ nữ và việc tự chủ kinh tế của phụ nữ cần được khuyến khích và bảo vệ. Là một chính trị gia có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam, Bộ trưởng Quốc vụ André Flahaut bày tỏ sự khâm phục lòng dũng cảm, cần cù, trí thông minh của phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành độc lập đất nước trước đây cũng như sự tham gia mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế hiện nay.
Bộ trưởng Flahaut đặc biệt nhấn mạnh về sự quả cảm của bà Trần Tố Nga, một phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của chất độc da cam đang đứng đơn kiện các công ty hóa chất của Mỹ nhằm đòi lại công lý cho những nạn nhân dioxine.
Qua phần trình bày của Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, cử tọa hiểu hơn về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện nay. Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được khả năng, vị trí của mình, được xã hội công nhận đánh giá cao. Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội Việt Nam là 30,26%, tỷ lệ lãnh đạo nữ là 31%. Tiến sĩ Minh Hương cũng giới thiệu với cử tọa một loạt luật của Việt Nam thể hiện sự quan tâm và bảo vệ cho quyền và lợi ích của người phụ nữ trong đời sống gia đình, trong đó có Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, Luật lao động. Quyền của phụ nữ Việt Nam trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản đó là "bình đẳng và ưu tiên".
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương cũng khẳng định Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nhiều phụ nữ Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam rất chịu khó học hỏi, nắm bắt các kiến thức mới về khoa học - kỹ thuật. Ở nhà, họ là những người vợ, người mẹ hết lòng với gia đình nhưng trên đồng ruộng, họ cũng là những người tiên phong áp dụng công nghệ vào sản xuất nhằm đạt được năng suất cao.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Madeleine Oka-Balima, Trưởng Ban bình đẳng nam - nữ của OIF, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ, trong đó phụ nữ Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực. Bà Madeleine cho biết OIF có nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp để họ phát huy khả năng của mình.
Trong khi đó, bà Bérengère Ménart, Chủ tịch CCIBV cho biết đơn vị của bà cung cấp trang thiết bị xử lý rác thải cho các tỉnh, thành ở Việt Nam. Hầu hết lao động tại các cơ sở này đều là phụ nữ. Bà bày tỏ ấn tượng với những người phụ nữ dù làm việc trong một lĩnh vực đặc biệt nhưng luôn cố gắng hết mình, nhiệt tình và vui vẻ.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay ở châu Âu, châu Á, châu Phi, cách thức tự chủ của phụ nữ trong hoạt động kinh tế, tài chính, những rào cản đối với họ so với nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ luôn kiên cường và tìm mọi cách vượt qua khó khăn để khẳng định năng lực của mình.
Cộng đồng Pháp ngữ hiện có 140 triệu phụ nữ, là những nhân tố tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Phụ nữ cũng là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19 song cũng là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.