Đề cao ý thức của nhân dân
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới vì dịch COVID-19 chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn theo phương châm “5K + vaccie + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân.
Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân.
Qua đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều địa phương trên cả nước phát sinh những ổ dịch, lây nhiễm COVID-19 lan rộng trong cộng đồng. Sau khi dịch bệnh từng bước được khống chế, các địa phương đã xác định công tác phòng chống dịch phải song hành với khôi phục phát triển kinh tế. Các dịa phương luôn tuần thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương, xác định “chung sống an toàn” với dịch bệnh nhưng không được chủ quan.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trong những ngày gần đây, số ca F0 mới được phát hiện tiếp tục gia tăng. Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 rất lớn, đã xuất hiện một số chùm ca bệnh mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Trong điều kiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người trên 50 tuổi của thành phố mới đạt trên 44% và khoảng 120.000 người không đủ điều kiện tiêm chủng, chưa có vaccine tiêm cho người dưới 18 tuổi... yêu cầu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân và an toàn cho Thủ đô đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
Trước tình hình trên, Hà Nội tạm thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo cấp độ dịch ở cấp độ 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và theo diễn biến tình hình dịch COVID-19; một số địa bàn có thể áp dụng cấp độ cao hơn. Đồng thời, thành phố tiếp tục duy trì xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành Y tế. Khi phát sinh F0, phải đưa đi điều trị, khẩn trương điều tra truy vết, khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng, nỗ lực nhanh chóng kiểm soát, dập dịch, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Không riêng gì Hà Nội, một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Điện Biên, Quảng Ninh… cũng đã xuất hiện rải rác các ổ dịch mới. Trước tình hình trên, nhiều địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, trọng tâm hiện nay là khẩn trương hoàn thiện các trạm y tế lưu động tại các khu dân cư, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao gắn với diễn tập các tình huống; củng cố, tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là bình ô xy, có giải pháp bổ sung bác sĩ ở nơi còn thiếu.
Nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Để làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.
“Tốc độ tiêm vaccine hiện nay trên cả nước đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vaccine nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội nhận định Việt Nam có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.
Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Sau khi các địa phương từng bước khống chế dịch bệnh, các địa phương đã lên kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, các địa phương cần chỉ đạo và có các giải pháp kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, với quan điểm là thận trọng, không nóng vội, các hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ các quy định về mức độ hạn chế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và nguyên tắc “5K”, quét mã QR.
Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã nghiên cứu, xây dựng mô hình phòng chống dịch rất thành công, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh đã được kiểm soát trong thời gian ngắn. Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp được quan tâm, triển khai ngay từ những ngày đầu khi dịch bùng phát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục và nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường, thích ứng an toàn, linh hoạt đồng thời bảo đảm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh. Kinh tế xã hội từng bước hồi phục và phát triển mạnh mẽ so với thời điểm trước dịch, các chỉ tiêu kinh tế ấn tượng, tốc độ phát triển công nghiệp và thu ngân sách tăng cao.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, đối với kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đang rà soát, hoàn thiện kế hoạch bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Quá trình triển khai thực hiện tiếp tục rà soát các quy trình, thủ tục hành chính và quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn”, ách tắc của các công trình, dự án cụ thể (trong ngân sách và ngoài ngân sách), nhất là các thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND các cấp, để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Mô hình phòng, chống dịch đã được triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, doanh nghiệp được xác định là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất và chính quyền các cấp là trung tâm để tháo gỡ, phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đây là một mô hình tốt, hiệu quả cần được tuyên truyền, nhân rộng để các địa phương khác nghiên cứu, áp dụng.
Trong buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Bắc Giang về lưu thông hàng hóa, hành khách và phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp để kịp thời áp dụng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trong tình hình mới, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để tổng hợp chung vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 trong điều kiện đã kiểm soát dịch bệnh, tiêm vaccine bao phủ diện rộng.