Thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch để khôi phục kinh tế

Từng bước khống chế dịch bệnh, lên kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới là chủ trương được các địa phương chủ động triển khai.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) trả lời phóng viên báo Tin tức.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được phát triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị thì việc đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành là điều cần thiết.

Đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới. Không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết: Hiện nay, chúng ta đang trong đà phục hồi của nền kinh tế, mặc dù các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Chính phủ, Quốc hội cũng đang tiếp tục đưa ra các gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội.

“Mặc dù vậy, tôi vẫn đề suất cần phải có một gói hỗ trợ với quy mô bao phủ lớn hơn, liều lượng cao hơn; đặc biệt, phải triển khai một cách nhanh hơn để trợ sức cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, dư địa của các chính sách tiền tệ không còn nhiều. Vừa rồi các ngân hàng đã cố gắng cấp vốn cho các doanh nghiệp, giảm lãi suất, giãn hoãn các khoản nợ... để doanh nghiệp gắng gượng sản xuất, kinh doanh”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho hay.

Ông Vũ Tiến Lộc dẫn câu nói của người xưa rằng: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", một đồng đưa ra hôm nay có thể có giá trị hơn 10 đồng sau một tuần, một tháng nữa. Bây giờ chúng ta đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế, bởi doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn. Cho nên chắc chắn gói giải pháp hỗ trợ nền kinh tế về mặt tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội phải có quy mô lớn hơn, diện bao phủ rộng hơn và thực hiện với tốc độ "thần tốc" hơn để có thể giải cứu, hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh để bước vào giai đoạn phát triển mới.  

Chú thích ảnh
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) trả lời phóng viên báo Tin tức.

“Chúng ta đang đứng trước sức ép của nợ xấu có khả năng tăng lên, áp lực lạm phát tăng và khả năng hấp thụ vốn của một bộ phận doanh nghiệp vẫn đang rất yếu. Cho nên giải pháp then chốt là phải phát huy hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa, làm sao tích hợp, cộng hưởng được chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Muốn mở rộng được cho vay, hạ lãi suất cho vay thì ngân sách nhà nước phải dành một quỹ rất lớn thực hiện bảo lãnh tín dụng cho cả hệ thống ngân hàng. Đồng thời cũng phải đầu tư cho quỹ bù lãi suất để yểm trợ cho ngân hàng hạ lãi suất. Đây là hai cánh tay của ngân sách nhà nước hậu thuẫn cho hệ thống ngân hàng, nếu chỉ riêng hệ thống ngân hàng thực hiện biện pháp cấp vốn cho nền kinh tế sẽ rất khó khăn”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.  

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho rằng, giải pháp duy nhất là Chính phủ ra tay và phải mạnh tay, khi đó, các địa phương mới chấm dứt tình trạng cát cứ, chia cắt. “Chính phủ cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu của bộ ngành, địa phương nếu công điện chỉ đạo của Thủ tướng không được thực hiện nghiệm, đặc biệt trong việc mở đường bay và các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường sắt, đường thủy. Phải xử lý trách nhiệm một cách rạch ròi, cụ thể như vậy thì mới chấm dứt tình trạng mỗi nơi làm một nẻo”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.

Nếu cứ khư khư đóng cửa trong mỗi tỉnh thì từ nay đến cuối năm, tình hình phát triển kinh tế và việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ chắc chắn không đạt được. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, mỗi địa phương đều có tinh thần cảnh giác và kiểm soát dịch rất cao. Tỉnh thành nào cũng lo ngại việc mang mầm bệnh từ nơi khác đến địa phương mình. Họ cũng lo nếu mở cửa khiến dịch lây lan và bùng phát sẽ làm ảnh hưởng cục diện chung ở địa phương. Chia sẻ với những lo ngại này nhưng vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh “mỗi tỉnh không thể tự đóng cửa mãi”.  

Chú thích ảnh
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) trả lời phóng viên báo Tin tức.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận: Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy việc di chuyển, lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân. Để khắc phục hậu quả của đại dịch, việc quan trọng đầu tiên là phải nối lại các đứt gãy đó. “Muốn vậy phải có điều kiện, và một trong những điều kiện là đảm bảo vaccine, thuốc điều trị và hệ thống y tế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Chính phủ đã chọn quan điểm sống thích ứng, an toàn với COVID-19, thí điểm cho những người đã tiêm vaccine đầy đủ và có xét nghiệm âm tính được đi lại. Vì vậy, các địa phương phải tạo điều kiện cho việc này để chỉ đạo của Thủ tướng được thông suốt. Với người đã tiêm đủ vaccine và có xét nghiệm âm tính, không cần thiết quy định phải cách ly tập trung mà có thể tạo điều kiện cách ly tại nhà. Người nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm để nâng cao ý thức trong phòng dịch.

“Đây là việc quan trọng nên cần có sự thống nhất giữa các địa phương với nhau. Trong giao thông, vận tải cần một đầu mối thống nhất, Chính phủ có thể giao Bộ GTVT được quyền công bố các quy định liên quan đến giao thông và các địa phương phải tuân thủ. Còn khi người dân về địa phương, việc quản lý thế nào sẽ do địa phương quyết”, đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý và cho rằng nếu để từng địa phương quyết định vấn đề về vận tải, giao thông sẽ không có sự thống nhất và tiếp tục gây đổ vỡ các chuỗi cung ứng.

“Nếu không giao lưu, quan hệ với các địa phương khác thì không thể mở cửa trở lại để phục hồi và phát triển kinh tế. Vì vậy, dù lo ngại trên là chính đáng, các tỉnh, thành phố cần hành động vì lợi ích chung của cả nước”, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói.
Chú thích ảnh

 

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh kích hoạt phát triển kinh tế đêm Cần Giờ để khôi phục kinh tế
TP Hồ Chí Minh kích hoạt phát triển kinh tế đêm Cần Giờ để khôi phục kinh tế

Ngay khi TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới, huyện Cần Giờ đã được chọn là điểm đến du lịch đầu tiên nhằm khôi phục ngành du lịch. Để giữ chân du khách đến Cần Giờ được lâu hơn, đồng thời từng bước phục hồi kinh tế Cần Giờ sau thời gian dài bị trì trệ do dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh đã kích hoạt phát triển kinh tế đêm Cần Giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN