Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong chống dịch ở Thủ đô

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cấp ủy và chính quyền các cấp ở Hà Nội đã vào cuộc kịp thời, quyết liệt với phương châm bảo vệ Thủ đô bằng mọi giá.

Chú thích ảnh
Nhân dân khu phố 5A, tổ 23, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) tham gia bảo vệ vùng xanh.

Chiến thắng đại dịch COVID-19 là chiến thắng của nhân dân

Thủ đô Hà Nội có một vị trí đặc biệt quan trọng. Việc bảo vệ Thủ đô trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 là yêu cầu cấp thiết.  

Bà Bùi Huyền Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: Sau khi làn sóng dịch lần thứ tư xảy ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vững vàng với quyết tâm chính trị rất cao, từ thành phố đến cơ sở.

"Bắt đầu từ ngày 27/4 khi có các ca F0 ở thành phố Đà Nẵng, Hà Nội bắt đầu thấy rằng nguy cơ dịch xảy ra đối với Thủ đô đã hiện hữu. Đặc biệt khi đó là một kỳ nghỉ lễ dài với 4 ngày, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhất là người dân từ các vùng từ phía Nam và thành phố Đà Nẵng về Hà Nội. Ngay từ khi đó, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp và có những ứng phó kịp thời", đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai cho hay.

Qua theo dõi công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thủ đô chúng tôi nhận thấy Thành phố đã chỉ đạo nhất quán từ Thành ủy tới tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân với quan điểm bảo vệ Thủ đô bằng mọi giá. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự huy động được nguồn lực từ nhân dân.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, chiến thắng đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư chính là chiến thắng của nhân dân. Ngay từ đầu, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội đã xác định phải huy động lực lượng từ cơ sở và tập trung sức dân vào quá trình chống dịch. Qua theo dõi các hoạt động phòng chống dịch của Thủ đô, từ việc ban hành các Chỉ thị về giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, cách ly y tế… cho thấy người dân Thủ đô đã đồng tình thực hiện, thể hiện rõ bản lĩnh, phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc phòng, chống dịch.  

Những mô hình hiệu quả

Kể từ khi làn sóng dịch bùng phát, các ca mắc F0 tăng lên, trên địa bàn Thủ đô đã có những mô hình sáng tạo từ cơ sở, đó là người dân chủ động lập giữ các chốt phòng dịch ở tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm mà nhân dân quen gọi mô hình chốt vùng xanh.

Theo bà Bùi Huyền Mai, mô hình này xuất hiện đầu tiên từ phường Mai Động, quận Hoàng Mai và sau đó phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố với hàng ngàn chốt vùng xanh như vậy. Người dân tham gia giữ chốt là các hội viên, đoàn viên của Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... Hàng ngày họ tham gia giữ chốt một cách tự nguyện, bảo vệ sự bình yên trong từng khu phố, khu nhà. Đây là chính là nền tảng để góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch thắng lợi của Thủ đô.

Cũng trong những cách làm sáng tạo ấy, còn có nhiều mô hình sáng tạo được cấp ủy và chính quyền các địa phương triển khai. Chẳng hạn như mô hình bảo vệ 3 lớp của huyện Đông Anh. Bà Bùi Huyền Mai cho rằng, ở Hà Nội, mỗi xã, phường, thị trấn, quận, huyện lại có những đặc thù khác biệt so với các địa phương khác trong cả nước, huyện Đông Anh là một ví dụ. Đông Anh là huyện có diện tích rộng, nhiều khu công nghiệp và là nơi có đông công nhân lao động. Địa bàn tiếp giáp với các địa phương đều đã từng xảy ra dịch như ở huyện Mê Linh, hay tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc nên nguy cơ dịch xảy ra rất cao.  

Từ thực tế đó, huyện Đông Anh đã có cách làm sáng tạo được TP Hà Nội đánh giá cao, đó là mô hình bảo vệ ba lớp theo hướng bắt đầu từ người dân, từng nhà, từng ngõ, sau đó ra đến thôn, đến xã, đến huyện. Qua các lớp bảo vệ như vậy đã hạn chế rất nhiều hiện tượng dịch bệnh lây lan, dù thực tế dịch đã xảy ra trong công nhân của khu công nghiệp và trong cộng đồng.  

Theo ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, dù dịch đã xảy ra nhưng nhờ phát huy tinh thần cảnh giác “chống dịch như chống giặc” nhân dân trong huyện Đông Anh đã nêu cao trách nhiệm, tự giác bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn và triển khai phòng chống dịch hiệu quả, được thành phố đánh giá cao.

Chú thích ảnh
Tình hình dịch tại cộng đồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội (đợt 4) tính đến ngày 4/11/2021.

Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cấp ủy, chính quyền Thủ đô luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch. Việc khống chế dịch tốt hay không sẽ thể hiện được năng lực của cán bộ và là cơ sở để Thành ủy Hà Nội đánh giá cán bộ.  

Thông điệp từ người đứng đầu Thành ủy như vậy cho nên cấp ủy các cấp từ quận, huyện, thị xã và đặc biệt là cấp cơ sở đã phát huy sức mạnh tinh thần dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà bắt đầu là từ những người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các địa phương. “Chính việc đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu là chủ trương hoàn toàn đúng, bởi việc chống dịch có tốt hay không chính là huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Người đứng đầu có trách nhiệm sẽ lan tỏa được tinh thần, cách thức làm việc cho cấp ủy và chính quyền địa phương cũng như nhân dân đồng lòng chống dịch thành công”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai khẳng định.

Trong đợt dịch 4 (tính từ ngày 27/4/2021 đến 4/11/2021), Hà Nội đã có 4.692 ca F0, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.801 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 2.891 ca.
Chú thích ảnh

 

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1, 2, tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1, 2, tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh

Thông tin với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/11, liên quan đến vấn đề tổ chức cho học sinh quay lại trường học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ với nhiều gia đình đang lo lắng về dịch bệnh, con em mình đến trường có an toàn không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN