Tại Hội nghị BCH Trung ương 8, Trung ương đã chỉ những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Ông có nhận định, đánh giá gì về việc thực hiện chế độ tiền lương mới trong năm 2024 và những năm tiếp theo?
Đây là tin vui đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, điều mà lâu nay họ đang mong chờ; mặc dù là chậm so với lộ trình của Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là đại dịch COVID-19, làm cho nền kinh tế và ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, nên Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Trung ương 4 khóa XIII đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27, mà chỉ điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1/7/2023 lên 1.800.000 đồng/tháng.
Tôi đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ, tuy là chậm, nhưng đây là thời điểm phù hợp, vì sau một thời gian, Chính phủ chuẩn bị sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, tinh giảm biên chế, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xây dựng vị trí việc làm và quan trọng là đã tạo đủ nguồn tài chính cho cải cách.
Như vậy có thể nói chúng ta đã hội đủ cơ bản các yếu tố để thực hiện chế độ tiền lương mới trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Chính phủ đã khẳng định: "Những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026. Vậy để thực hiện chính sách tiền lương, chúng ta cần rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương như thứ nào, thưa ông?
Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề hệ trọng liên quan đến con người, bảo đảm phân phối lao động theo nguyên tắc chi tiền lương là chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức nâng cao năng lực để thực thi công vụ có hiệu quả hơn và giảm thiểu tham nhũng. Bản chất tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức Lao động trên thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất trong nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần phải làm từ nay đến 1/7/2024, đó là xây dựng đầy đủ vị trí việc làm cho các bộ, ngành. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay, có 16/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư về vị trí việc làm, nếu không vẫn chưa có cơ sở chuyển xếp lương mới, tiếp tục chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp và giao quyền tự chủ nếu đủ điều kiện và cần thiết phải tiếp tục giảm nhẹ biên chế; hoàn thiện cơ chế trả lương, phương án xác định mức lương tối thiểu.
Do đó, cần phải xác định tiền lương tối thiểu của công chức hành chính ngang bằng với sức lao động và tương đương mức lương trong khu vực thị trường; với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của lao động công chức hành chính, nên phải được xếp ở mức độ quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau khu vực lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu của công chức hành chính chỉ có thể được điều chỉnh dựa trên sự tương quan với lương tối thiểu của các khu vực; hệ số nuôi con của công chức hành chính; hệ số tương quan với thị trường lao động; hệ số vùng; hệ số tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tiếp nữa là phải rà soát lại cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm tương thích, công việc như nhau thì mức lương bằng nhau; đặc biệt là xem xét xác định các loại phụ cấp cho phù hợp và có tác dụng thu hút nhân lực.
Cải cách chính sách tiền lương lần này quy định 10% quỹ tiền thưởng để kích thích tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác nên rất cần phải xây dựng quy chế cụ thể để bảo đảm nguyên tắc kích thích năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương đòi hỏi có sự cải cách đồng bộ với nhiều chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như: Cải cách hành chính, cải cách tài chính công; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội; đồng thời phải xuất phát từ tình hình bối cảnh thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.
Theo Nghị quyết 27, lộ trình tăng lương cơ bản đến năm 2025 cho nhiều đối tượng, cả ở khu vực công gồm cán bộ, công chức, viên chức và ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong đó, lương cơ bản là mức lương thấp nhất, không bao gồm các loại phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng… mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhận được. Vậy với mức tăng lượng như vậy, người lao động có đảm bảo cuộc sống từ lương không, thưa ông?
Về quan điểm chính sách tiền lương sau cải cách phải đảm bảo cho công chức hành chính thật sự sống được bằng tiền lương, bao hàm tái sản xuất mở rộng sức lao động và mang đặc thù của loại lao động đặc biệt.
Người lao động không phải lo tăng thêm thu nhập bằng các con đường khác kể cả khi người công chức về hưu, khi họ đã hoàn thành nghĩa vụ lao động đối với xã hội, nghĩa vụ của người công chức đối với chính quyền.
Theo tôi, chúng ta phải thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp để phấn đấu đạt được mục tiêu đảm bảo cuộc sống từ lương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!