Chiều 20/10, thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhận xét: “Quy trình ngân sách địa phương hiện được hiểu là chạy nguồn chi trước, xong tính ngược lại. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) |
Chính vì vậy, nơi nào muốn ngân sách nhiều thì phải chạy phần chi nhiều trước đã, rồi mới tìm chỗ này, chỗ kia điều tiết bao nhiêu phần trăm”. Đại biểu lý giải thêm: “Ngân sách được thông qua giữa 2 kỳ họp, giữa năm ngồi bàn mổ xẻ từng địa phương, ngành… xem năm tới cần hỗ trợ bao nhiêu, ưu tiên lĩnh vực nào. Tuy nhiên, mọi thứ an bài rồi, nên không biết cắt của ai, thêm cho ai. Đây cũng là nguồn gốc chạy ngân sách. Nếu không điều chỉnh được vấn đề này, thì không thể cân đối được ngân sách”.
Nhiều đại biểu cho rằng, sửa luật ngân sách là cần thiết, vì tiền ngân sách là tiền góp của dân, sử dụng phải tiết kiệm hiệu quả.
“Đã có Nghị quyết Trung ương về tình trạng lãng phí, nhưng vẫn chưa trở thành hành động tiết kiệm là quốc sách. Nên sửa luật để làm toát lên được tinh thần tiết kiệm, nhất là khi ngân sách hiện đang khó khăn. Vấn đề không chỉ là kêu gọi mà phải có cơ chế, chính sách, thể hiện phải qua thực hiện luật ngân sách, dùng vốn hiệu quả”, đại biểu Lê Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh.
Để chấm dứt tình trạng chi trước duyệt sau, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề xuất: “Nhiều nơi, lãnh đạo đi địa phương nghe nơi nào kêu khó khăn thì quyết chi ngân sách, không phải chờ Quốc hội phê duyệt. Như vây, không căn cơ, làm phân tán nguồn lực. Đề nghị phải đề cao tính kỷ luật, đảm bảo thẩm quyền của Quốc hội. Sắp tới HĐND cũng phải quyết trên phân cấp đó, cuối năm quyết toán lại chứ không chỉ quyết những vấn đề đã rồi”.
Hữu Vinh