Thu ngân sách nhà nước 2014 dự kiến vượt 9%

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính diễn ra ngày 9/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 có khả năng vượt 9% so với dự toán năm.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Chi ngân sách vượt cao hơn thu


Phó chánh văn phòng Bộ Tài chính Phạm Chí Thanh cho biết tổng thu cân đối NSNN luỹ kế 9 tháng đạt 636.000 tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong đó, thu nội địa đạt 427.890 tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013, thu từ dầu thô đạt 79.780 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 125.100 tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013

Tuy nhiên, chi NSNN 9 tháng ước đạt 768.000 tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013. Theo đánh giá của Thứ trưởng Vũ Thị Mai, công tác thu NSNN 9 tháng đầu năm đạt khá so với hai năm gần đây.

Thứ trưởng cho biết, các cơ quan Thuế, Hải quan đã tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu NSNN; tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp, ngành hàng có rủi ro cao về thuế.

Đối với tình hình huy động vốn NSNN, Bộ Tài chính cho biết trái phiếu Chính phủ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các trái phiếu ở các kỳ hạn dài 5 năm – 15 năm.

Theo đó, tỷ trọng trái phiếu 3 năm trở lên chiếm khoảng 28,4% tổng số huy động. Kỳ hạn 5 năm chiếm 25,9%, so với cùng kỳ năm 2013 là 17,2%. Kỳ hạn 10 năm chiếm 12,1%, trong khi 9 tháng đầu năm 2013 chỉ 5,8%. Kỳ hạn 15 năm chiếm 4,8% (9 tháng đầu năm 2013 là 2,1%).

Thu đúng thu đủ


Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng chỉ ra mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN.

Do vậy, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, với chỉ đạo định hướng phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các phải nộp NSNN.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan và Hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung thực hiện các giải pháp để giúp doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tính đến hết 19/9, số doanh nghiệp bị thiệt hại của 4 địa phương (Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh và TPHCM) là 929 doanh nghiệp, trong đó đã có 683 doanh nghiệp kê khai thiệt hại với số tiền khoảng 5.205 tỷ đồng.

Ngoài việc thực hiện các giải pháp về thuế như gia hạn thời gian nộp hồ sơ khai thuế đối với các tờ khai thuế phải nộp sau thời điểm bị thiệt hại cho các doanh nghiệp, gia hạn nộp thuế đối với số thuế còn nợ trước thời điểm bị thiệt hại, miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu để sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư hại, tổn thất...

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị tích cực, chủ động trong tổ chức điều hành NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi; đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán và ứng vốn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách chặt chẽ, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mu gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh; hạn chế tối đa trình cấp có thẩm quyền ứng trước dự toán ngân sách và ứng vốn trái phiếu Chính phủ năm sau.


Thùy Dương

Thu, chi Ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do Luật định
Thu, chi Ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do Luật định

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp; lập dự toán, quyết toán Ngân sách Nhà nước;

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN