Thảo luận Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).


Bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị dự án Luật cần tiếp tục bổ sung, rà soát, làm rõ ngân sách nhà nước là thống nhất, có phân cấp quản lý, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương gắn với nhiệm vụ chi quốc gia; phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phương Hữu Việt phát biểu tại tổ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Bên cạnh đó, dự án luật cần có quy định nhằm bảo đảm kỷ luật chi, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách; đặc biệt trong việc quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước cần tuân thủ, cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp. Việc quyết định ban hành chính sách mới làm tăng chi ngân sách Nhà nước phải bảo đảm cân đối được nguồn tài chính để thực hiện; kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia...

Tên gọi của dự án Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị nên đổi tên dự án Luật là Luật Quản lý ngân sách Nhà nước bởi nội dung sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước lần này chủ yếu quy định các nội dung về quy trình, thủ tục quản lý ngân sách Nhà nước; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan. Đồng thời, các đại biểu đề xuất hàng năm Quốc hội sẽ ban hành Luật Ngân sách thường niên về dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ Ngân sách Trung ương thay cho việc ban hành Nghị quyết như hiện nay để nâng cao tính pháp lý và kỷ luật tài chính.

Liên quan đến phạm vi chi ngân sách Nhà nước, về chi chuyển nguồn, một số đại biểu nêu quan điểm: để bảo đảm phù hợp với Luật đầu tư công và hạn chế tối đa việc chuyển nguồn ngân sách, cần cho phép thực hiện chuyển nguồn đối với chi đầu tư phát triển, các khoản chi cho nhiệm vụ bất khả kháng, các khoản tăng thu, tiết kiệm chi do cấp có thẩm quyền quyết định, các khoản tạo nguồn cải cách tiền lương, kinh phí tự chủ giao cho đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan hành chính. Riêng đối với chi đầu tư phát triển cần khống chế tỷ lệ giới hạn chuyển nguồn để tăng cường kỷ luật tài chính trong quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước.

Đối với quy định về dự phòng ngân sách Nhà nước, Chính phủ dự kiến bổ sung quy định cho phép một số bộ, ngành ở Trung ương được giữ lại tối đa không quá 5% dự toán chi thường xuyên đã được giao để chủ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân (Bến Tre), Khúc Thị Duyền (Thái Bình), Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, việc cho phép một số bộ, ngành có dự phòng như quy định của dự án Luật sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc giao, phân bổ vốn phải bảo đảm đủ, đúng cho các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Về tỷ lệ dự phòng ngân sách Nhà nước, đại biểu Khúc Thị Duyền kiến nghị cần thu hẹp lại tỷ lệ bố trí hàng năm cho dự phòng ngân sách Nhà nước từ 1,5 đến 3% tổng chi ngân sách Nhà nước (thay cho dự phòng ngân sách Nhà nước hàng năm từ 2-5% tổng chi ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành) để nâng cao chất lượng dự toán, hạn chế sử dụng dự phòng cho những nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan kiểm toán

Đa số các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về việc cần thiết ban hành dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) nhằm bảo đảm nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; quy định rõ địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước trong việc tham gia vào quá trình quản lý ngân sách Nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán...

Về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Trần Văn Minh (Quảng Ninh)... tán thành với quy định: Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội; khi hết nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước. Nhiệm kỳ của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là 5 năm.

Cho ý kiến đối với quy định về đoàn kiểm toán, đa số các đại biểu đề nghị bỏ các nội dung về tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, vì Tổ kiểm toán không phải là một cấp, không phải là chức danh được bổ nhiệm mà do sự lựa chọn của Đoàn kiểm toán. Đồng thời, dự án Luật cần quy định rõ thời hạn tối đa đối với một cuộc kiểm toán, bảo đảm minh bạch, tạo thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.

Nhiều đại biểu dành sự quan tâm đối với quy định về kiểm toán thuế. Theo các đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), dự án Luật nên quy định đơn vị được kiểm toán là “các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế” (còn gọi là kiểm toán thuế) nhằm hạn chế tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Trái lại, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đề nghị dự án Luật quy định kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách tại cơ quan thuế để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào Ngân sách Nhà nước, chống trốn lậu thuế. Nếu trong quá trình kiểm tra này, phát hiện đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế có sai phạm sẽ kiểm toán thêm. Đại biểu phân tích: Việc kiểm toán các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế sẽ bao quát toàn bộ quá trình thu thuế nhưng trong điều kiện hiện nay về nhân lực, thời gian, tài chính còn khó khăn, chỉ nên kiểm toán các đơn vị cơ quan thuế. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, khắc phục tình trạng trốn, lậu thuế đang do cơ quan thanh tra thuế đảm nhận.

Phúc Hằng

Cần thiết phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án lớn
Cần thiết phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án lớn

“Chính phủ có nghe sự băn khoăn, lo lắng của nhân dân và công luận về vấn đề nợ của Chính phủ nhưng việc phát hành trái phiếu là cần thiết, phải chấp nhận để đầu tư trung và dài hạn cho những dự án lớn”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã cho biết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN