Cầu nối giới thiệu Tây Nguyên với quốc tế

Ngày 1/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đoàn các trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới bổ nhiệm nhiệm kỳ 2015 - 2018 do đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN


Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Quốc Cường đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh Tây Nguyên đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới được bổ nhiệm có trách nhiệm quảng bá, giới thiệu các tiềm năng… của các tỉnh Tây Nguyên với bạn bè quốc tế. Từ đó kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư của các nước nhằm góp phần tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển bền vững.

Đồng chí Trần Việt Hùng đã giới thiệu khái quát về tiềm năng, triển vọng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên với các trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và sự năng động sáng tạo của các tỉnh, vùng Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm.

Năm 2014, tổng sản phẩm toàn vùng tăng 8,74% so với năm 2013. Công tác xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ ODA và thu hút đầu tư toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến. Kim ngạch xuất khẩu vượt 2,5 tỷ USD, tăng 49,3%, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách tăng 9,2%, GDP bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng (tương đương 1.640 USD), tăng 13,6% và bằng 81% GDP bình quân đầu người của cả nước.

Sản xuất nông nghiệp của các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, góp phần làm chuyển biến đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Diện tích gieo trồng tăng, cơ cấu cây trồng chuyển đổi mạnh, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã được nhiều địa phương quan tâm. Công tác khuyến nông, khuyến lâm ngày càng đa dạng, giúp nông dân tiếp cận với khoa học công nghệ, nhân rộng nhiều mô hình đầu tư thâm canh, sản xuất sạch.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 570.000 ha cà phê, với sản lượng mỗi năm đạt trên 1,2 triệu tấn cà phê nhân, chiếm 94% sản lượng cà phê của cả nước; có trên 60.000 ha cây hồ tiêu, sản lượng 80.000 tấn tiêu hạt/năm, chiếm 54% sản lượng tiêu của cả nước; sản lượng ngô, chè, hạt điều, cao su, mía đường, sắn… chiếm sản lượng cao từ 18 đến 26% sản lượng của cả nước.

Tuy nhiên, kinh tế của vùng còn chậm phát triển so với các vùng khác trong cả nước. Các tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông thủy lợi vẫn còn nhiều bất cập, nguồn lực đầu tư còn hạn chế…

 
Quang Huy (TTXVN)
Đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH Tây Nguyên
Đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH Tây Nguyên

Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 tổ chức ngày 17/5/2015 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khẳng định trong những năm qua, công tác thu hút vốn đầu tư xã hội toàn vùng tăng nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN