Đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH Tây Nguyên

Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 tổ chức ngày 17/5/2015 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khẳng định trong những năm qua, công tác thu hút vốn đầu tư xã hội toàn vùng tăng nhanh. Từ năm 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư vào Tây Nguyên đạt 147.000 tỷ đồng, hệ thống kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... được đầu tư đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống của nhân dân.

Ngày hội đầu tư

Để khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng, những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức các Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên năm nay, số doanh nghiệp đăng ký tham dự tăng mạnh so với trước.

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh trong vùng đã có nhiều nỗ lực về kêu gọi, xúc tiến đầu tư và cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước. Do vậy, việc thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là từ sau các Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột (năm 2009) và lần thứ hai tại thành phố Pleiku (2013).

Đại diện các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, chính quyền địa phương các tỉnh vùng Tây Nguyên ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3/2015.



Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay vào khu vực đạt 25.000 tỷ đồng, cho hơn 2.800 khách hàng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Để phát huy tiềm năng thế mạnh của Tây Nguyên và góp phần vào phát triển KTXH của vùng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại cam kết số tiền dự kiến đầu tư trung và dài hạn vào Tây Nguyên khoảng 15.000 tỷ đồng. Nông nghiệp - nông dân - nông thôn nói chung và đầu tư đối với sản phẩm thế mạnh của vùng Tây Nguyên như cà phê, chè, cao su, tiêu... vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, vì mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các tình vùng Tây Nguyên.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên hôm nay đã trao Quyết định đầu tư của 5 tỉnh Tây Nguyên cho 13 doanh nghiệp thực hiện 13 dự án tiêu biểu tại các tỉnh, với mức vốn cam kết trên 16.000 tỷ đồng.

Trong các nguồn lực được huy động cho phát triển, nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo của Tây Nguyên. Tổng vốn ODA đã được ký kết trong 4 năm qua của các tỉnh vùng Tây Nguyên là 409,9 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA theo chính sách của Chính phủ như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giao thông vận tải, lâm nghiệp và trồng rừng, giáo dục và đào tạo, cấp nước sinh hoạt... Các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ODA trong vùng đã đưa vào sử dụng được Chính phủ và các nhà tài trợ đánh giá đạt được mục tiêu phát triển và có hiệu quả đầu tư cao.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy điều kiện KTXH có nhiều khó khăn, nhưng Tây Nguyên lại có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên để thu hút nguồn vốn này. Tính lũy kế đến cuối năm 2014, có tổng cộng 148 dự án FDI vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký 819 triệu USD. Từ năm 2011 - 4/2015, vùng Tây Nguyên có 38 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép, với tổng số vốn đầu tư là 122 triệu USD, trong đó tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu với 29 dự án và 74,9 triệu USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được nhiều nhất với 16 dự án với 54,4 triệu USD.

Chủ trì hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần này là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế cùng các chính sách thu hút đầu tư của địa phương mình. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, thân thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế để an tâm đầu tư kinh doanh và cùng phát triển.

Tồn tại và định hướng phát triển bền vững

Nhờ thu hút đầu tư có hiệu quả để phát triển KTXH, GDP bình quân đầu người của Tây Nguyên tăng từ 18,24 triệu đồng năm 2011 lên 23,08 triệu đồng năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống 11,22% (năm 2014). An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chính sách tôn giáo dân tộc và an sinh xã hội được quan tâm. Công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong việc củng cố cơ sở vật chất, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng Tây Nguyên

Tuy nhiên, tại Hội nghị xúc tiến và an sinh xã hội Tây Nguyên lần này, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tình hình đầu tư giai đoạn 2011 - 2015. Báo cáo đã nêu lên những tồn tại gồm cơ cấu nguồn vốn đầu tư chưa hợp lý, một số công trình giao thông quan trọng và huyết mạch có tiến độ chậm; đầu tư vào chế biến cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu còn ít, chưa tạo ra được chuỗi giá trị cao, bền vững. Đặc biệt, việc thu hút, sử dụng và quản lý vốn ODA và FDI trong thời gian qua tại các tỉnh vùng Tây Nguyên đã bộc lộ một số bất cập, đó là khả năng hấp thụ nguồn vốn còn khiêm tốn, trong khi vùng đang có nhu cầu lớn về vốn. Đồng thời, Tây Nguyên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao còn hạn chế, chuyển giao công nghệ còn chậm, một số doanh nghiệp FDI, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng đến nay Tây Nguyên mới đóng góp khoảng 4,5% GDP của cả nước và so với vùng miền khác vẫn còn kém phát triển. Nhu cầu vốn để phát triển Tây Nguyên rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, phần lớn phải huy động các nguồn khác như ODA, FDI. Để vùng Tây Nguyên phát triển ổn định, bền vững thì rất cần sự liên kết, đầu tư, hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong định hướng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên giai đoạn tiếp theo cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết thu hút đầu tư và phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Tây Nguyên với các địa phương của nước Lào và Campuchia trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Đại biểu tỉnh Rattanakiri làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

Đoàn đại biểu tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) đã sang thăm và làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN