Cầu hàng không hoàn tất việc giải cứu lao động

Sáng qua (9/3), chuyến chuyên cơ cuối cùng của Vietnam Airlines giải cứu người lao động Việt Nam ở Libi đã về đến Hà Nội, hoàn tất sứ mệnh của cầu hàng không. Toàn bộ lao động Việt Nam đã rời khỏi Libi an toàn, không có ai bị thương do quá trình di chuyển; 8.728 người đã về nước.

Chuyến chuyên cơ cuối cùng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam chở 209 lao động Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 7 giờ 50 phút sáng 9/3. Nhiều gia đình đã dắt díu nhau đến sân bay từ 4, 5 giờ sáng. Có trường hợp như chị Lê Thị Hà (xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cách hơn 200 cây số đã lặn lội thuê xe từ 10 giờ đêm hôm trước để ra đón chồng là anh Lâm Văn Tâm, đi XK lao động ở Libi đã được 20 tháng.

Niềm vui xen lẫn sự âu lo là những gì chúng tôi nhìn thấy trên nét mặt của những người đến đón. Mặc dù biết chắc người nhà sẽ về trong chuyến bay này, họ vẫn phấp phỏng âu lo trong suốt 4 - 5 tiếng đồng hồ chờ đợi. Chị Hà rơm rớm nước mắt, giọng run run: “Từ ngày biết tình hình bên Libi, cả nhà tôi không ăn, không ngủ được”. Tôi thì sụt mất 3- 4 cân”. Gương mặt gầy xọp với đôi mắt thâm quầng như minh chứng cho những lời chị nói. “Hôm nay đến đây, ai cũng mệt nhưng vui lắm. May mà anh nhà tôi không bị làm sao!”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) đón Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng và người lao động tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN


Lên phương án điều chuyên cơ sang Angiêri đưa lao động Việt Nam tại Libi về nước
Đại sứ quán Việt Nam tại Angiêri đã kiến nghị Chính phủ điều máy bay sang đón 292 lao động về nước. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước đã cho biết như vậy tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, tại Hà Nội, chiều 9/3. Được biết, 292 lao động Việt Nam tại Libi đang tập kết tại biên giới Angiêri - Libi. Nơi đây xa trung tâm hàng nghìn km, cộng với thời tiết sa mạc khắc nghiệt, nước uống và thực phẩm khó khăn, đồng thời có khả năng chiến sự giao tranh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp, bàn bạc với Tổ chức di dân quốc tế (IOM) nhờ hỗ trợ đưa số lao động trên về nước. Trong trường hợp khó khăn, tiến độ giải cứu lao động của IOM không đẩy nhanh được, Việt Nam sẽ điều chuyên cơ sang đón.
Phúc Hằng

Đón người lao động về nước không chỉ có người nhà mà còn có cả đại diện của nhiều công ty xuất khẩu lao động. Bên ngoài cổng, nhiều xe ô tô đi đón lao động đã xếp hàng dài, nổ máy, chờ sẵn. Nhân viên các công ty khẩn trương gom lao động lại, điểm danh và hướng dẫn họ lần lượt lên xe. Đông nhưng vẫn trật tự, làm thủ tục nhanh gọn cho người lao động là cảm nhận chung của chúng tôi khi chứng kiến nhiều đợt đón đoàn về trong suốt những ngày vừa qua.

Nghĩa tình người dân Tuynidi

Với những lao động thoát nạn trở về từ Libi trên chuyến chuyên cơ đó, “may mắn”, “hạnh phúc”, “vui mừng”, “biết ơn” là những từ chúng tôi được nghe nhiều nhất khi hỏi chuyện họ. Mặc cho gương mặt hốc hác, mái tóc rối bù, áo quần lôi thôi, cáu bẩn- những dấu tích còn sót lại sau hơn nửa tháng chạy loạn - họ vẫn cười thật tươi.

Vừa khẩn trương kéo hành lý về phía xe đưa đón của công ty, anh Giáp Văn Thung, quê ở Sơn Động, Bắc Giang cho biết: “Đi sang đó là cốt làm kinh tế. Chẳng may gặp sự cố, phải về nước sớm thế này cũng không toại nguyện. Nhưng về được đến nơi là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi!”.

Anh Trần Đức Huy, quê ở Nam Định kể lại: “Sau hôm chiến sự nổ ra, từ 18/2 là những ngày ăn đói, mặc rét. Ban ngày, chúng tôi ăn cháo, đêm thì thay phiên nhau thức trắng để canh đề phòng bị cướp. Mãi tới 25/2, nhóm lao động Việt Nam gồm khoảng 400 người mới tới được biên giới giữa Libi và Tuynidi. Chúng tôi ở 4 ngày liền tại khu vực biên giới.

Thời tiết ở đấy ngày thì nắng to, nhưng vẫn lạnh buốt. Đêm thì rét kinh khủng”. Trong những ngày đó, nhóm vẫn được cho ăn, cho uống đầy đủ, một phần nhờ sự giúp đỡ của người dân Tuynidi. Vượt qua được những ngày khắc nghiệt đó để có ngày về như hôm nay, anh Huy bảo: “Thực sự, phải nói lời cảm ơn tới người dân Tuynidi. Họ rất tình cảm, mến khách!”.

Trong cuộc họp báo tổ chức sau khi đón 209 người lao động từ Libi về nước trên chuyến chuyên cơ cuối cùng của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, thành viên Ban chỉ đạo, Trưởng đoàn công tác đặc biệt sang Tuynidi cho biết đây là chiến dịch di tản lao động ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Chính phủ Việt Nam.

Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng cũng khẳng định trong chiến dịch này, chúng ta nhận được rất nhiều giúp đỡ của bạn bè quốc tế. “Đặc biệt là tại Tuynidi, đoàn công tác thực sự ngưỡng mộ và quý mến những người dân cũng như người điều hành công việc ở Tuynidi. Những bà mẹ già nấu súp cho công nhân, nhân viên sân bay không tắt nụ cười với bất kể người lao động nào...”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tính đến ngày 9/3, đã có 8.728 lao động về nước an toàn. Hiện còn 1.120 lao động đang về trên tàu biển, sẽ về đến Hải Phòng ngày 21/3. 292 lao động còn lại đã sang Angiêri và 67 lao động tại Ai Cập đang được bố trí đưa về nước trong vài ngày tới. Theo Bộ trưởng, so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và tích cực nhất trong việc hoàn thành công tác di tản lao động Việt Nam tại Libi về nước lần này.

Việc làm cho lao động về nước

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, Tập đoàn Khang Thông, chủ đầu tư dự án Happy Land đã đồng ý nhận toàn bộ 10.000 lao động Việt Nam về từ Libi vào làm cho dự án. Đây là dự án khu phức hợp giải trí đang xây tại tỉnh Long An, cách TP.HCM khoảng 50 km, có vốn đầu tư 2 tỷ USD, đang cần rất nhiều lao động, nhất là ngành xây dựng. Bộ sẽ phổ biến cho tất cả lao động trở về từ Libi và có trách nhiệm giới thiệu cho chủ lao động.

Những ai không muốn làm việc cho dự án này thì sẽ chờ để đưa đi một thị trường khác. Khi làm việc cho Happy Land, chủ dự án có thể bảo lãnh cả khoản vay nợ của người lao động.

Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Ðông và Bắc Phi và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu chính sách đối với lao động Libi về nước theo chính sách hiện hành, quan điểm không để người lao động bị thiệt thòi, nhất là lao động nghèo.

Ngày 9/3, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định trích ngân sách thành phố hỗ trợ cho lao động có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đi Libi phải về nước trước thời hạn là 1.000.000đồng/người (ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương). Ngoài ra, những đối tượng này đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi xuất khẩu lao động tại Libi được giãn nợ tiền vay với thời hạn tối đa 24 tháng. Trường hợp người lao động có nhu cầu vay vốn, tìm việc làm, học nghề được Thành phố hỗ trợ theo quy định.


Mạnh Minh

8.476 lao động Việt Nam ở Libi đã về nước
8.476 lao động Việt Nam ở Libi đã về nước

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến 18 giờ ngày 8/3, đã có 8.476 lao động Việt Nam làm việc ở Libi về nước. Trong ngày, đã có 1 chuyên cơ và một số chuyến bay lẻ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN