Sớm đưa hết người lao động Việt Nam làm việc từ Libi về nước an toàn

Nhằm khẩn trương đưa lao động Việt Nam tại Libi về nước an toàn, ngày 4/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các bộ, ngành chức năng, tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách bảo đảm an toàn cho người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng nhằm xem xét, đánh giá kết quả những đợt đưa lao động Việt Nam tại Libi về nước vừa qua và triển khai các công việc tiếp theo. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tổng số lao động Việt Nam làm việc tại Libi có 10.482 người, phần lớn trong các công trình do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu (các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, CHLB Đức, Braxin...).

Đến hết ngày 3/3 đã có trên 9.000 lao động Việt Nam được sơ tán khỏi Libi sang Ai Cập, Tuynidi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Manta, Angiêri và Cộng hòa Síp và trên 500 lao động đang ở biên giới Libi; có gần 5.500 lao động đã và đang được đưa về Việt Nam...

Hiện còn 289 lao động đang kẹt ở Libi vẫn trong điều kiện an toàn, trong đó có 125 lao động đang ở sân bay Tripôli. Các bộ, ngành chức năng đã làm việc với phía Libi và phía bạn cam kết sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ để tất cả lao động Việt Nam rời khỏi Libi sớm nhất.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng với lao động Việt Nam tạm trú tại trại tị nạn ở khu vực biên giới Res Jedire (giữa Tuynidi và Libi). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đánh giá Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đã tích cực, khẩn trương đưa công dân của mình tại Libi về nước và đã triển khai công việc này một cách an toàn và hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Ban Chỉ đạo đưa lao động Việt Nam từ Libi về nước, các bộ: Ngoại giao, Lao động -Thương binh và Xã hội, Công an, Giao thông Vận tải... đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bám sát yêu cầu, đảm bảo sơ tán an toàn cho người lao động Việt Nam tại Libi và tổ chức đưa về nước an toàn và trật tự.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình Libi diễn biến phức tạp, do vậy Ban chỉ đạo và các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài bằng mọi biện pháp đảm bảo an toàn cho 289 lao động đang ở Libi và trên 4.000 lao động đang ở nước thứ 3, trong đó phải đảm bảo an ninh, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... cho người lao động để khẩn trương đưa về nước.

Niềm hạnh phúc trong phút giây đoàn tụ. Ảnh: Vũ Hữu Sinh-TTXVN


Hiện ở cửa khẩu Salloum giữa Libi và Ai Cập không còn lao động nào của Việt Nam quá cảnh. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, một đoàn lao động Việt Nam gồm 220 người dự kiến nhập cảnh Ai Cập qua cửa khẩu Salloum đã chuyển sang đi bằng đường biển qua hải cảng Benghazi của Libi. Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Phạm Sỹ Tam cho biết, hiện chưa thể khẳng định còn bao nhiêu lao động của ta tại Libi sẽ quá cảnh qua Ai Cập. Sứ quán sẽ tiếp tục cử một đoàn công tác đến cửa khẩu Salloum để hỗ trợ cũng như tiếp tế thực phẩm và nước uống.

Như vậy chỉ trong vòng một tuần, với sự nỗ lực của Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, các công ty chủ quản và tổ chức quốc tế, gần 1.000 công dân Việt Nam lao động tại Libi quá cảnh Ai Cập đã được đưa về nước an toàn.

Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Ai Cập)

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng chỉ đạo và phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam bằng mọi cách liên lạc với tất cả lao động đang kẹt tại Libi để tập trung đưa ra khỏi nước này trong thời gian sớm nhất, đồng thời làm việc với nước sở tại đảm bảo an toàn an ninh cho công nhân đang ở nước thứ 3.

Thủ tướng cũng yêu cầu 5 đoàn công tác của Ban chỉ đạo cùng Cơ quan đại diện trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, động viên người lao động yên tâm, nghiêm chỉnh chấp hành các qui định và khẳng định Chính phủ vẫn đang tiếp tục nỗ lực đảm bảo an toàn cho người lao động về nước trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện các phương án, tranh thủ các nguồn của đối tác sử dụng lao động và Tổ chức Di cư quốc tế đưa toàn bộ lao động Việt Nam đang sơ tán sang các nước láng giềng của Libi như: Tuynidi 1.500 lao động, Thổ Nhĩ Kỳ 1.600 lao động, Manta 300 lao động... về nước bằng đường hàng không, phần còn lại Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm.

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chu đáo việc đón, đưa người lao động về đoàn tụ với gia đình và hỗ trợ tạm thời mỗi lao động về nước 1 triệu đồng. Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo qui định, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú trọng đến các gia đình có người thân tại Libi.

Thiện Thuật - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN