Hành trình 13 ngày chạy khỏi Libi

Nhờ sự chỉ đạo và các biện pháp kịp thời của các cơ quan chức năng, sự giúp đỡ của nhiều bạn bè, tổ chức quốc tế và một chút... may mắn, những người lao động Việt Nam từ Libi đang lần lượt được đưa về nước an toàn.


Trong niềm vui sướng được hồi hương, nhiều người chưa thể quên được chặng đường khổ ải rời khỏi Libi đang bạo loạn.

Anh Nguyễn Huy Thường, quê ở phường Nông Trang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) sang Libi lao động từ tháng 3/2010 kể lại: “Trước những biến loạn ở Libi, những lao động của Việt Nam làm việc ở Libi đã phải di chuyển đến cảng Benghazi với quãng đường dài trên 500 km. Trên đường đi, các anh bị bọn khủng bố chặn đường, cướp bóc đồ đạc, bắn súng uy hiếp.

Anh Nguyễn Huy Thường tường trình về 13 ngày chạy loạn rời Libi về nước với các phóng viên báo chí (ảnh chụp sáng 4/3 tại sân bay Nội Bài). Ảnh: Viết Tôn


Khi đến được sân bay, họ đã chứng kiến một cảnh tượng đấu súng hãi hùng giữa cảnh sát và bọn khủng bố khi đoàn người chạy loạn lọt giữa 2 phe. Những lúc đó, anh em chỉ tin vào sự may mắn mà thôi. Đêm 20/2, những lao động Việt Nam phải ẩn nấp dưới băng tải thấp của nhà ga, trong khi bọn khủng bố vẫn bắn trả cảnh sát, có lúc chỉ cách người lao động chừng 10 m. “Sau khi chiếm được cảng sân bay, bọn khủng bố bắt chúng tôi để làm con tin.


Những lúc ấy, mọi người rất hoảng loạn, nhất là việc chúng cướp bóc và đánh chết 3 lao động người Thái Lan. Không những thế, chúng còn bắt người lao động nộp cho chúng 200 dinar (tương được khoảng 3,5 triệu đồng tiền Việt Nam), những lúc đó người lao động Việt Nam và các nước không ai dám chống cự và buộc phải nghe theo chúng rồi lựa tình thế trốn đi”.

Sau khi trốn được ra ngoài, khi đến bến cảng đường biển, anh Thường đã đàm phán với chủ tàu biển người Thổ Nhĩ Kỳ nói là đã lưu lạc ở đây 1 tuần không có đồ ăn, nước uống và đưa thẻ làm việc trình bày với chủ công ty của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, họ đã chấp nhận cho anh Thường cùng 52 lao động Việt Nam xuống tàu biển về Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước khi xuống tàu biển, từ ngày 20/2, các anh đã phải chạy lên 4 con tàu trong thời tiết trời mưa, bão cát, cầu cứu thuyền trưởng. Cuối cùng, các anh đã lên được tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ. Thuyền trưởng người Thổ Nhĩ Kỳ đối xử với lao động Việt Nam rất chu đáo. Với hành trình 40 giờ trên eo biển Địa Trung Hải, thì có 10 giờ người lao động Việt Nam bị say sóng. “Chúng tôi được chủ tàu cho ăn uống chu đáo.


Khi cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đón tiếp chúng tôi tận tình và đưa về nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, chúng tôi được đưa đến sân bay Istanbul thuận lợi. Trong số 53 anh em được về Thổ Nhĩ Kỳ có 1 người bị mất hộ chiếu nhưng chúng tôi đã liên hệ được với Đại sứ quán Việt Nam để xin giấy thông hành và về nước an toàn” - anh Thường xúc động nói.

Tiền sảnh sân bay Nội Bài những ngày này luôn tấp nập người thân của các gia đình đi đón con em từ Libi về nước. Được vợ và con ra tận cửa cách ly đón và tặng hoa, anh Thường nói: “Khi về đến đây, được các cơ quan chức năng và người thân đón tiếp như thế này, chúng tôi rất xúc động. Những lúc bị bắt làm con tin, chúng tôi rất lo lắng. Anh em trốn chạy khỏi Libi có người chỉ còn duy nhất 1 bộ quần áo mặc trên người, bởi đồ đạc phần vì thất lạc phần vì bị quân phiến loạn cướp bóc”.

13 ngày chạy loạn từ Libi về nước, được đặt chân lên quê hương mình, ai cũng khóc vì mừng, vì sung sướng bởi mình may mắn còn sống dù rằng trước mắt là gánh nợ chồng chất. Chia sẻ với những đồng nghiệp còn kẹt lại tại Libi, anh Thường nói: “Tôi có lời chia sẻ với anh em Việt Nam hiện nay vẫn đang ở Libi. Mong sao anh em cố gắng tiếp cận với các cơ quan chức năng của Việt Nam để ra khỏi vùng chiến sự”.


Khi được hỏi dự định của anh trong tương lai, anh Thường cho biết: “Trước khi đi xuất khẩu lao động, dự định của tôi sẽ làm việc bên đó 2-3 năm. Nhưng trước những biến loạn ở Libi, chúng tôi phải về nước. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để tôi được đi lao động ở một nước khác. Vì về nước trước hạn, nợ vay ngân hàng, tôi chưa trả được”.

Nguyễn Viết Tôn

Tình hình lao động Việt Nam tại Libi lánh nạn sang Angiêri

Nhận được tin lao động Việt Nam tại Libi chạy nạn sang Angiêri qua cửa khẩu Debdeb, ngã ba biên giới Angiêri, Tuynidi và Libi, từ ngày 1- 4/3, đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Angiêri gồm Đại sứ Đỗ Trọng Cương và phóng viên TTXVN tại Angiêri đã đến cửa khẩu này để phối hợp với chính quyền địa phương trợ giúp và chuẩn bị phương án sớm đưa lao động của ta về nước.

Tính đến ngày 4/3, chính quyền Angiêri đã tiếp nhận 292 lao động Việt Nam, do Công ty Vinaconex đưa sang Libi làm việc cho Công ty Chaabane của Tuynidi. Hiện những người này đang ở tạm tại một trung tâm thể thao và một cơ sở công cộng; được cung cấp lương thực, đảm bảo vệ sinh và chăm sóc y tế. Tình hình sức khỏe của đa số lao động này khá ổn định. Trước đó, hai công dân Việt Nam là Lê Hữu Trung và Phạm Ngọc Viên đã rời In Amenas sang Đức để về nước. Hai người này làm việc cho một công ty của Đức tại Libi và cũng chính là hai người nghi bị mất tích khi làm thủ tục nhập cảnh Angiêri mà Đại sứ quán ta được thông báo.

Đại sứ Đỗ Trọng Cương đã thăm hỏi, động viên và căn dặn các lao động Việt Nam đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, giữ gìn sức khỏe, tuân thủ quy định của chính quyền sở tại để sẵn sàng về nước khi điều kiện cho phép.

Làm việc với lãnh đạo thị trấn In Amenas, Đại sứ Đỗ Trọng Cương đã đề nghị lãnh đạo thị trấn In Amenas nói riêng và chính phủ Angiêri nói chung tiếp tục giúp đỡ lao động Việt Nam, tiếp tục tiếp nhận những công dân Việt Nam chạy nạn từ Libi sang nếu có và thường xuyên thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Angiêri về tình hình công dân Việt Nam.

Chính quyền thị trấn In Amenas cam kết quan tâm hơn nữa tới các lao động Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn này, đồng thời lưu ý sẽ đáp ứng nguyện vọng hợp lý mà Đại sứ đã yêu cầu, cũng như sẵn sàng tiếp nhận những công dân Việt Nam chạy nạn từ Libi sang.

Toàn Trí
(P/v TTXVN tại Angiêri)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN