Cần sự 'vào cuộc' tích cực để khắc phục nhanh hậu quả và tái thiết sau bão lũ

Ngày 9/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng đã biểu dương các Bộ, ngành, địa phương (đặc biệt là lực lượng vũ trang, cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí) trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ; đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc đối với những gia đình có thân nhân bị chết, động viên, thăm hỏi những gia đình có người bị thương và mất tích. Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng và nhiệm vụ cử đoàn công tác trực tiếp xuống chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ, thăm hỏi đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, đặc biệt là những địa phương bị thiệt hại nặng nề.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ đang được tiến hành khẩn trương, tích cực với sự tham gia trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhưng do khối lượng công việc khắc phục sau bão lũ là rất lớn bởi thiệt hại là rất nghiêm trọng nên cần sự "vào cuộc" tích cực hơn nữa của toàn xã hội.

"Ngay sau cuộc họp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan căn cứ vào đề xuất hỗ trợ gạo của các tỉnh, có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng có Quyết định hỗ trợ gạo cho các tỉnh thiệt hại bởi thiên tai một cách kịp thời". Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bão lũ, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tìm kiếm người, tàu mất tích và bị chìm. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt việc hỗ trợ giúp dân dựng, sửa chữa lại nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học..., nhu yếu phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sớm ổn định cuộc sống nhân dân. Trong đó các địa phương phải chủ động trong công tác này với phương châm kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, sống trong cảnh màn trời chiếu đất.  

Đối với nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời xuống các tổ chức tín dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.

Bộ Công thương chỉ đạo khôi phục toàn bộ hệ thống điện, đặc biệt là khu vực Khánh Hoà; điều hành nguồn hàng, cung cấp về các khu vực có biểu hiện tăng giá để ngăn chặn tình trạng lợi dụng tăng giá trục lợi, trong đó phối hợp với Bộ Xây dựng để kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Theo dõi chặt chẽ, xử lý, vận hành đúng quy trình đảm bảo an toàn hạ du.  

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông đầy đủ đến người dân, kiểm soát việc đưa tin, tránh tung tin không chính xác gây tình trạng hoang mang trong nhân dân; kiểm tra các đài cơ sở về việc đưa tin, thông tin đến người dân về tình trạng thiên tai và hoạt động khắc phục hậu quả. Bộ Y tế tổ chức đoàn xuống khu vực bị thiệt hại để chỉ đạo công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn kiểm tra an toàn hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa nhỏ, xung yếu; chỉ đạo, hướng dẫn khôi phục nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây lâu năm để giảm thiểu thiệt hại; các đoàn hướng dẫn cộng đồng khôi phục và triển khai công tác thông tin, truyền thông tại cơ sở. Bộ Giao thông Vận tải cử các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc khôi phục hệ thống giao thông, đặc biệt là quốc lộ, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo sớm để các Bộ ngành, địa phương và người dân chủ động ứng phó. Bộ Quốc phòng huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất. Bộ Công an kiểm soát an ninh trật tự, kịp thời phát hiện, ngăn chặn  tình trạng tụ tập đông người gây hoang mang.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn trong đó có nguồn vốn ODA cho việc tái thiết sau thiên tai; hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ ứng phó khẩn cấp của các tổ chức quốc tế đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Bổ sung nguồn vốn cho dự án WB8 để nâng cấp 450 hồ chứa xung yếu tại 33 tỉnh thành phố (Dự án đã ký kết tháng 8/2016 với tổng số vốn 430 triệu USD, năm 2017 mới bố trí được 1 triệu USD); đẩy nhanh tiến độ dự án WB khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung năm 2016 tại 5 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận với tổng kinh phí là 115 triệu USD.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng phát tin nhất là đối với công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cũng như các bản tin hướng dẫn người dân về kỹ năng phòng, chống thiên tai. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi toàn bộ hoạt động vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện thuộc hệ thống liên hồ chứa; đôn đốc các Bộ ngành, địa phương triển khai việc khắc phục hậu quả thiên tai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 9 giờ ngày 9/11, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đã hỗ trợ cho 8.516 hộ/35.168 người đi sơ tán trở về nơi ở. Tổ chức tiếp nhận hàng cứu trợ của JICA (105 máy bơm lọc nước), phối hợp với Trung tâm AHA, ADB, Hoa Kỳ,... tiếp tục xác định nhu cầu hỗ trợ cho các địa phương. Hệ thống lưới điện đã khôi phục, đến chiều 8/11 còn 3 trạm biến áp 110kV tai Khánh Hòa chưa khôi phục; 8% công suất tải lưới điện trung, hạ thế tỉnh Phú Yên, 10% công suất tải lưới điện trung, hạ thế tỉnh Khánh Hòa và một vài khu vực còn bị ngập thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Đến chiều 8/11, Quốc lộ 1 đã thông toàn tuyến; đường Hồ Chí Minh còn tắc đường 2 điểm tại Huế và Quảng Nam; QL 49B còn tắc đường tại Huế; QL 27C tắc đường tại Lâm Đồng; một số đường nối ngang còn sự cố, mới thông xe một bên; đường sắt còn tắc tại một điểm ở Đèo Cả (phải tăng bo). Dự kiến 9/11 thông tuyến. Sáng 8/11, cơ bản các cửa hàng xăng dầu đã bán hàng trở lại bình thường, trừ sự cố 1/32 cửa hàng xăng tại Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; cơ bản các mặt hàng thiết yếu không tăng giá, riêng mặt hàng rau, củ, quả tăng 3-25% có nơi tăng 30-40% (Quảng Nam), gạch ngói, tôn lợp tăng 5000 đồng/m2.

Hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 100 cơ số thuốc, 1.000.000 viên hóa chất khử khuẩn CloraminB, 250 chiếc áo phao cứu sinh. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ 6,5 tỷ đồng tiền mặt cho các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam  Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Lâm Đồng. Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và ra lời kêu gọi vận động quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại.

Theo báo cáo của các địa phương và các Bộ, ngành, tình hình thiệt hại do bão số 12 và mưa lũ tính đến 19 giờ ngày 8/11 đã làm 91 người chết, 23 người mất tích;1.486 nhà sập đổ, 119.361 nhà tốc mái, hư hỏng; 9.350 ha lúa bị ngập;15.203 ha rau, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 25.957 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản thiệt hại; 1.294 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng.

Đại diện Bộ Công an báo cáo về tình hình khắc phục hậu quả và đảm bảo an ninh sau bão, lũ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Có 5 vị trí trên quốc lộ 1, 24 vị trí đường Hồ Chí Minh từ Quảng Trị đến Kon Tum, 23 vị trí các quốc lộ 14E, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 14B, QL49, QL49C, QL 27C bị sạt lở, ngập sâu gây ách tắc. Đặc biệt Quốc lộ 49 và 27C đến ngày 8/11 vẫn chưa thông tuyến; 9 điểm đường sắt từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa bị sự cố, phải phong tỏa, gián đoạn vận chuyển khác trong đó Hảo Sơn - Đại Lãnh chưa thông tuyến; 60 chuyến bay bị hủy, 30 chuyến bay bị chậm giờ.

5 vị trí sự cố đường dây 220kV, 19 vị trí sự cố đường dây 110kV, 39 vị trí cột 110kV khu vực Khánh Hòa – Phú Yên bị ngã đổ, nghiêng; 262 lộ đường dây trung áp bị sự cố, gây mất điện 9.555 trạm biến áp phân phối làm ảnh hưởng đến 975.855 khách hàng. Hiện tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa cơ bản khắc phục xong hệ thống điện.

Thắng Trung (TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân bị lũ cô lập ở Quảng Ngãi
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân bị lũ cô lập ở Quảng Ngãi

Chiều 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đến thăm, trao quà cho người dân vùng lũ xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN