Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thị sát tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền địa phương đảm bảo an toàn cho người dân khi các đường điện bị đổ ngã, gây nguy hiểm; tập trung lực lượng thu dọn vật dụng, đảm bảo giao thông thông suốt; sửa chữa nhà cửa, công trình để sớm đi vào hoạt động, nhất là hoạt động dịch vụ, du lịch.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã thị sát tại xã ven biển Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. Theo thống kê sơ bộ, địa phương này đã có 1 người chết, 3 người bị thương, 14 căn nhà bị sập, khoảng 70 - 80% nhà của người dân bị tốc mái do ảnh hưởng của bão.
Phó Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có người bị chết, bị thương và thiệt hại do bão gây ra; đồng thời lưu ý người dân cần bình tĩnh để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, chính quyền địa phương cần thống kê thiệt hại để Nhà nước có phương án hỗ trợ bà con.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khẩn trương hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, trước mắt là đảm bảo an toàn về chỗ ở; đảm bảo an toàn hồ đập và đê điều, an toàn giao thông; sớm khắc phục hệ thống điện...
Một cây cổ thụ bị đổ ngã, bịt kín một tuyến đường của thành phố Nha Trang. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, cơn bão số 12 đã gây nhiều thiệt hại về người, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, cây trồng, vật nuôi, hệ thống điện... trên địa bàn, hiện chưa thể thống kê cụ thể.
* Tại tỉnh Phú Yên, Phó Thủ tướng đã đến thăm, chia sẻ với những thiệt hại của người dân huyện Đông Hòa - một trong những vùng tâm bão, động viên bà con sớm khắc phục, ổn định cuộc sống; yêu cầu lãnh đạo tỉnh khẩn trương cử lực lượng đến giúp dân dựng lại nhà cửa để có nơi ở tạm thời và hỗ trợ không để người dân thiếu đói.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời chia buồn đến người nhà của các nạn nhân bị chết, mất tích và chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của bà con. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Phú Yên huy động tổng lực giúp dân, có giải pháp đảm bảo tính mạng của người dân sau bão; cần chú ý công tác sơ tán dân tại các vùng bị chia cắt do lũ lụt triều cường, sạt lở đất, các vùng xung yếu.
Sau bão sẽ có mưa lớn nên tỉnh Phú Yên cần có giải pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, lực lượng vũ trang Quân khu V cử lực lượng đến Phú Yên giúp người dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 12…
Công nhân điện lực Phú Yên khẩn trương khôi phục lại mạng lưới điện 22 KV ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên bị gãy đổ. Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến trưa ngày 4/11, do ảnh hưởng của bão số 12, toàn tỉnh có 1 người chết (ở huyện Đồng Xuân), 5 người mất tích (huyện Tuy An 1 người, huyện Đông Hòa 4 người) và 4 người khác bị thương (thành phố Tuy Hòa 1 người, thị xã Sông Cầu 3 người).
Thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 16 nhà sập, 943 ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, còn có nhiều nhà bị tốc mái nhưng do gió mạnh, mưa lớn nên chưa thống kê được; 50 tàu cá bị chìm; 2 lồng nuôi tôm hùm bị cuốn trôi. Ngoài ra, tại huyện miền núi Sông Hinh có khoảng 1.000 ha cao su bị ngã đổ; huyện miền núi Sơn Hòa khoảng 17.000 ha mía bị hư hại; huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa có hơn 277 ha hoa màu và lúa bị ngã đổ…
Hệ thống giao thông đường bộ cũng bị ách tắc rất nặng. Trên quốc lộ 19C, một số vị trí mặt đường ngập từ 0,5-0,7 mét thuộc các đoạn từ thị trấn La Hai đi Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Quốc lộ 25 tắc đường tại km 07+500 và km 69+900. Cầu cây Sung trên tỉnh lộ 642 thuộc xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) bị ngập sâu 2 mét. Tại huyện Tuy An, đập Đồng Đá sập đoạn dài 40 mét, cầu cây Cam trên tỉnh lộ 650 bị ngập sâu 1 mét; các tuyến Chí Thạnh đi An Ninh Đông và Chí Thạnh đi An Nghiệp đã bị chia cắt…
Ngay sau khi bão tan, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã trực tiếp kiểm tra thực tế; chỉ đạo các cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp giúp người dân bị thiên tai, khôi phục lại cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường giao thông… để sớm ổn định đời sống.