Dự kiến, chiều nay 8/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình sẽ bày báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, dự thảo đề xuất nhiều chính sách mới như: Không thu học phí trẻ em mầm non 5 tuổi , học sinh THCS và hỗ trợ đóng học phí cho học sinh cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đây là chính sách tốt, nhân văn. Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đặt ra vấn đề này trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp. Do vậy, việc không thu học phí phải đặt trong tương quan về mặt ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, phải có lộ trình, những đối tượng nào được ưu tiên? Ví dụ như trẻ mầm non 5 tuổi hay là học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn thành phố có thể được thực hiện chậm hơn so với các vùng khác. Mục đích là tạo sự hài hòa giữa chính sách và điều kiện thực tiễn.
Bên cạnh đó, trong lần sửa đổi này, dự thảo luật đã tập trung vào một số những quy định như: Xác định vị thế của nhà giáo ngay trong chương nhà giáo và có những quy định về chính sách liên quan tới chính sách lương, các chính sách về phụ cấp, về đào tạo đối với nhà giáo, nâng chuẩn đào tạo của nhà giáo để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa trong thời gian tới. Ban soạn thảo đã chuẩn bị kỹ càng cho những quy định về nâng chuẩn, cũng như đã có những đánh giá tác động để làm rõ những điểm phù hợp của chính sách nâng chuẩn đào tạo.
Liên quan đến việc khó thu hút sinh viên học sư phạm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, lý do cơ bản nhất đó là do cơ hội tìm việc làm của sinh viên sư phạm ngày càng khó. Hơn nữa, chính sách đãi ngộ, vấn đề lương bổng của sinh viên sư phạm khi ra trường chưa đáp ứng được mong muốn. Vì vậy, ngành sư phạm đã không còn đủ sức hấp dẫn. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã sửa theo hướng: thay chính sách không thu học phí đối với sinh viên sự phạm bằng chính sách tín dụng.
Chính sách này khá phù hợp và hiệu quả. Sinh viên khi ra trường có cống hiến cho ngành sư phạm, sẽ không phải trả khoản tiền này. Đối với những sinh viên ra trường không làm trong ngành sư phạm sẽ phải trả tiền vay tín dụng. Như vậy, ngân sách Nhà nước không bị mất đi, vấn đề lãng phí ngân sách Nhà nước sẽ được giải quyết.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đây chỉ là một phần trong chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, điều quan trọng là cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường; vấn đề chính sách ưu đãi nghề nghiệp đối với ngành sư phạm. Đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng của hệ thống các trường đào tạo sư phạm.