Nội dung buổi làm việc về tình hình kết quả thực hiện các chính sách dân tộc và công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Làm việc với đoàn có: Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh; cùng các lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định công tác phát triển các xã vùng khó khăn là nhiệm vụ quan trọng, trong đó phấn đấu đến năm 2025, số xã đặc biệt khó khăn giảm xuống dưới 30% tổng số xã toàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, hiện trên địa bàn còn 74 xã và 24 thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chương trình, dự án chính sách về lĩnh vực công tác dân tộc.
Trong đó, tổng nguồn vốn Chương trình 135 được Trung ương phân bổ năm 2020 là 166 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt 85% kế hoạch, dự kiến đến ngày 31/12/2020 giải ngân hoàn thành đạt 100% kế hoạch giao. Vốn chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 là gần 25 tỷ đồng, đến 30/9/2020, tỉnh giải ngân đạt 100% so với kế hoạch…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn, việc thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số vẫn còn một số hạn chế như: Địa hình bị chia cắt nên vùng dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn là địa bàn khó khăn; tình trạng thiếu việc làm, thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường luôn là những thách thức lớn đối với vùng dân tộc thiểu số…
Tại buổi làm việc, tỉnh Hòa Bình đã có một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Ủy Ban Dân tộc. Cụ thể, khi thực hiện kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các Bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021; đồng thời sớm có quy định thống nhất việc xác định xã đặc thù sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính để làm cơ sở thực hiện chính sách. Tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục quan tâm, đầu tư hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, giới thiệu các nguồn vốn ODA để đầu tư hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, tỉnh Hòa Bình cần thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chính sách dân tộc, đặc biệt ban hành Nghị quyết chuyên đề về chính sách dân tộc. Trên cơ sở đó có chương trình hành động, cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình thuộc thẩm quyền giải quyết, Ủy ban Dân tộc ghi nhận và giao cho các đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc nghiên cứu giải quyết trên cơ sở tạo điều kiện về cơ chế chính sách, vốn để đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các kiến nghị của tỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc sẽ trình Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, giải quyết.