Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đặng Ngọc Nghĩa: Xác định rõ nhiệm vụ hai Bộ trong dự án hai luật
Tôi có tham khảo một số nước thì thấy, lĩnh vực giao thông là lĩnh vực phức tạp. Lần này điều chỉnh 4 nội dung: Hạ tầng về giao thông, người điều khiển giao thông, phương tiện giao thông, các quy tắc ứng xử. Trước đây là một bộ luật, nhưng việc phân công trách nhiệm chưa rõ. Trong khi đó, an toàn giao thông hiện nay giữa 2 bộ và một số lĩnh vực chưa chịu trách nhiệm, đặc biệt về hạ tầng giao thông, tai nạn giao thông, các phương tiện giao thông hiện nay quản lý chưa tốt.
Trong quá trình thảo luận, tôi cho rằng cần dựa trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành để làm thế nào xác định được trách nhiệm 2 Bộ trong tình hình hiện nay. Về Luật an toàn giao thông đường bộ, cần đi sâu vào quản lý con người, kể cả vấn đề cấp phép, sát hạch đào tạo, đặc biệt xử lý vi phạm. Đồng thời, cần có quy định chế tài cho những phương tiện giao thông đảm bảo tiêu chí an toàn tuyệt đối khi lưu thông trên đường.
Dự án của 2 Luật phải đưa ra giải pháp để điều hành tránh ùn tắc giao thông. Luật cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công an, đặc biệt khâu đào tạo sát hạch, cấp bằng lái, tránh hiện tượng bằng giả, bằng không đảm bảo. Người điều khiển giao thông uống rượu bia gây tai nạn sẽ giao Bộ Công an xử lý. Điều này nhằm tăng thêm trách nhiệm đối với Bộ Công an trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhiều cử tri mong muốn Luật đưa ra giải pháp giảm thiểu tai nạn và chấp hành giao thông tốt hơn.
Đai biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Hoàng Thị Thuý Lan: Làm rõ vấn đề sử dụng quỹ đất trong giao thông đường bộ
Về quy định đảm bảo quỹ đất sử dụng trong Luật giao thông đường bộ là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mạng lưới giao thông đô thị, đặc biệt các đô thị lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố khác trong giai đoạn phát triển.
Có thể lấy điển hình như Hà Nội, từ 2015 - 2020, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị chỉ tăng khoảng 0,03%; Quỹ đất dành cho giao thông đô thị thấp khiến tình trạng giao thông ùn tắc rất nhiều. Việc phát triển đô thị hiện nay do tư nhân thực hiện còn phát triển hạ tầng do Nhà nước thực hiện. Chính vì không đồng bộ nên khi các đô thị phát triển nhanh thì hạ tầng lại chưa theo kịp với sự phát triển khiến tình trạng ùn.
Quy định ngay trong luật về tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị là hết sức cần thiết. Nhưng quy định chưa sát với thực tế. Theo quy định hiện nay, luật hiện hành đang quy định quỹ đất giao thông đô thị so với xây dựng đô thị đô thị phải đảm bảo từ 16 - 26% nhưng như tôi vừa lấy ví dụ Hà Nội đạt 0,03%. Để phù hợp với từng loại đô thị, chúng ta nên có quy định sát với tình hình này.
Cần tiếp tục quy định tỷ lệ này trong Luật sửa đổi Luật giao thông đồng bộ. Đồng thời, tính toán lại cho phù hợp, có tính khả thi cao hơn. Tránh tình trạng Luật cứ quy định, còn thực tiễn không thể đáp ứng được, ảnh hưởng đến sự phát triển giao thông đường bộ.
Có rất nhiều giải pháp đưa ra khắc phục tình trạng ùn tắc tại các đô thị nhưng vẫn chưa có phương án tối ưu, để giải quyết ngọn nguồn vấn đề này phải có quy định về tỷ lệ quỹ đất và phải thực hiện một cách nghiêm túc.