Thể hiện tinh thần chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp
Chia sẻ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đặc biệt là các chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Năm 2022, tình hình lạm phát trên thế giới tăng cao, đặc biệt là việc ngân hàng trung ương của các quốc gia nâng lãi suất, tác động đến thị trường ngoại hối, thị trường tài chính, đồng đô la Mỹ tăng giá.
Trước tình hình đó, để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng lãi suất điều hành từ 4% lên 6%. Hiện nay, quá trình kiểm soát lạm phát đã đi vào hiệu quả. Trước diễn biến của thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có hai lần điều chỉnh hạ lãi suất. Việc hạ lãi suất của ngân hàng trung ương thường có độ trễ so với ngân hàng thương mại.
“Bởi các ngân hàng thương mại đã huy động vốn với lãi suất cao trong thời gian tới nên hiện nay hạ lãi suất phải có độ trễ. Tôi hy vọng hệ thống ngân hàng thương mại của chúng ta lúc này phải thể hiện tinh thần chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, đây là người bạn đồng hành với mình. Ngân hàng thương mại phải nhanh chóng hạ thấp lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Đề cập đến những chính sách tài khóa, trong đó Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ: Vào đầu năm 2022, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã quyết định thực hiện gói tài khóa, tiền tệ, trong đó dành nguồn lực để giảm thuế, giảm tiền thuê đất và thuế VAT đến hết năm 2022. Hiện nay, trước bối cảnh khó khăn của năm 2023, Chính phủ đã trình và Quốc hội đang xem xét để tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2%. Nhưng lúc này, kỳ vọng và mong muốn của người dân cũng như doanh nghiệp phải tiếp tục hạ thuế hơn nữa, không chỉ là 2% mà có thể lên đến 5%, đồng thời kéo dài thời hạn giảm thuế đến hết năm 2024.
“Thông thường suy nghĩ đơn giản là việc giảm thuế sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách. Nhưng thực tế đã chứng minh, năm 2022, khi chúng ta giảm thuế thì kéo theo đó là tăng tổng thu ngân sách. Vì vậy rất cần việc giảm thuế trong thời gian tới với tần suất và thời gian áp dụng dài hơn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đề cập đến những khó khăn trong bối cảnh hiện nay của doanh nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích: Khó khăn của doanh nghiệp không chỉ từ thể chế mà còn đến từ thị trường. Có thể thấy, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm rất sâu trong nhiều tháng qua, dẫn đến cắt giảm các đơn hàng, cắt giảm lao động. Hơn nữa, trong thời gian dài, một số doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Khi chúng ta củng cố thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo chuẩn hóa của thị trường thì doanh nghiệp lại thiếu nguồn lực này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, bất động sản đang trên đà giảm giá, do đó, khi tiếp cận vốn của ngân hàng thì ngân hàng định giá thấp, dẫn đến những điều kiện tiếp cận vốn càng khó khăn hơn; phải có bài toán hài hòa, sự chia sẻ giữa người cho vay và người đi vay.
“Trong bối cảnh đó, ưu tiên thứ nhất là phải giảm lãi suất, ưu tiên tiếp theo là phải đảm bảo quy chuẩn cho vay. Bởi nếu hạ chuẩn sẽ dẫn đến rủi ro về tín dụng, rủi ro về thị trường tài chính, cho nên phải tăng cường Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển thị trường tài chính một cách lành mạnh để doanh nghiệp có thể huy động vốn trên thị trường này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Thúc đẩy sản xuất trong nước từ “ba động lực”
Nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2023 có biểu hiện vừa tích cực, vừa có những tác động tiêu cực, tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau): Phải nhìn nhận một cách khách quan, nếu so sánh với thời điểm bắt đầu vào đại dịch COVID-19 là năm 2019 cho đến 2021 và thời điểm hiện nay là thời điểm “mã hồi” của đại dịch COVID-19 mới thấy được mặt tích cực của nền kinh tế.
“Nếu nhìn vào mặt bằng của năm 2022 thì tiêu cực, nhìn vào kinh tế 6 tháng đầu năm cần có quan điểm khách quan, ngay trong lúc bức tranh kinh tế ảm đạm thì đánh giá của các tổ chức nước ngoài cho thấy tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Việt Nam vẫn thuộc top đầu thế giới. Chúng ta phải xem xét đánh giá khách quan”, đại biểu Lê Thanh Vân nhận định.
Theo đại biểu, về cơ bản những chỉ số cho thấy Việt Nam đã thích ứng và vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vì năm 2020-2021 là những năm cực kỳ khó khăn, thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội, Chính phủ đã có hành động dũng cảm, ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP thích ứng an toàn với đại dịch. Từ đó, các quan hệ kinh tế mới phục hồi, nền tảng sản xuất mới khôi phục được.
Dự báo tình hình năm 2023, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, không phải bất ngờ khi kết quả ảm đạm, bởi đây là cú "hồi mã thương" trở lại với những khó khăn vốn tạo ra một sự kiệt quệ, xuống đáy của nền tảng kinh tế-xã hội, nhất là sức lực người dân và doanh nghiệp đã chịu đựng liên tiếp như vậy. Có thể nói Quốc hội, Chính phủ liên tiếp có ứng phó kịp thời, cho ra đời các gói cứu trợ, cho nên sự cầm cự đến bây giờ là rất tích cực. Nhìn rộng ra thế giới, nhiều nước tăng trưởng âm mới thấy chúng ta đã nỗ lực như thế nào.
“So với mặt bằng những năm phát triển cao thì rõ ràng tăng trưởng GDP 5 tháng đầu năm có 3,32% là thấp, nhưng trong nền tảng và bối cảnh như vậy là tích cực. Tôi phải nhấn mạnh, nhìn nhận bức tranh kinh tế phải khách quan và bình tĩnh đánh giá tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân như bắt bệnh. Bắt bệnh được rồi phải có phương thuốc điều trị thì sức khỏe nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng và bứt phá trong những quý tiếp theo”, đại biểu Đoàn Cà Mau đánh giá.
Để thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm 2023, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, đơn đặt hàng giảm tác động đến sản xuất trong nước. Để thúc đẩy sản xuất trong nước, cần nhìn vào 3 động lực là xuất khẩu, đầu tư công và đầu tư nước ngoài. Ba khu vực này đều chịu tác động từ bên ngoài, xuất khẩu là đơn đặt hàng suy giảm, tác động đến sản xuất trong nước và mặt hàng xuất khẩu tác động đến thu ngân sách. Giải ngân đầu tư công chậm, nhiều ngành tỷ lệ giải ngân thấp, trong khi đây là yếu tố kích hoạt cho tăng trưởng nhiều lĩnh vực khác. Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Cả ba lĩnh vực này vẫn gặp khó khăn. Cùng với đó là vấn đề nội tại, chất lượng thể chế chính sách và đội ngũ cán bộ”, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá.
Theo đại biểu, để thúc đẩy xuất khẩu, một mặt phải tiếp cận thị trường vốn để làm sao các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để chống đỡ khó khăn, đồng thời bám sát nhu cầu thị trường thế giới và khu vực để duy trì đẩy mạnh tăng trưởng trong xuất khẩu. Đối với giải ngân đầu tư công, nguyên nhân suy giảm giải ngân đầu tư công là chất lượng thể chế pháp luật, trong đó có thủ tục hành chính, phải khắc phục bằng cách rà soát lại thủ tục, cắt giảm những khâu trung gian, giấy phép con mới nảy sinh để làm sao công tác giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn, phân vai của các cơ quan chức năng mạch lạc hơn.
“Làm được điều này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn và tôi tin rằng, nếu có giải pháp kịp thời thì những tháng cuối năm tiến độ giải ngân đầu tư công đẩy mạnh hơn, sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân, đối với thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đang đối mặt với luật chơi mới của các nước là Luật Thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam phải khẩn trương sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến thu hút đầu tư. “Hàn Quốc đã nhìn nhận vấn đề này sớm và đã thông qua luật liên quan có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Tôi mong rằng, Quốc hội cũng sẽ sớm thông qua luật liên quan và áp dụng ngay từ ngày 1/1/2024 để một mặt chúng ta duy trì quyền được đánh thuế đối với các nhà đầu tư nước ngoài và sử dụng tiền đó để điều tiết các quan hệ đối tác; để hỗ trợ và thu hút được các nhà đầu tư, giữ chân được họ và thu hút tiếp các nhà đầu tư khác”, đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ.