Theo dõi phiên thảo luận qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri tỉnh Phú Yên đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề đang được cử tri cả nước quan tâm; kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Vượt qua thách thức, giữ ổn định kinh tế - xã hội
Theo dõi xuyên suốt phiên thảo luận và các buổi làm việc của Quốc hội, cử tri Nguyễn Đắc Tấn (cán bộ hưu trí ở thành phố Tuy Hòa) đánh giá cao vai trò điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn thách thức nhiều hơn thuận lợi. Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội đã đề cập đến những vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: khó khăn của các doanh nghiệp khi thiếu đơn đặt hàng; vấn đề khó khăn trong giải quyết việc làm cho công nhân; thiếu giáo viên giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; công tác bảo vệ môi trường…
Ông Nguyễn Đắc Tấn cho rằng, điều đáng mừng là Quốc hội, Chính phủ đã nhìn nhận, đánh giá được những khó khăn trước mắt và lâu dài để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt là việc điều hành giảm lãi suất ngân hàng để kích thích nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh đối với người dân và doanh nghiệp. Vấn đề nhà ở xã hội được quan tâm thực hiện nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho lực lượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ quan tâm đến kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc miễn học phí và tiền ăn trưa cho học sinh mầm non vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với mặt tích cực, Chính phủ nên có giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực đến toàn xã hội, khiến cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng...
Cử tri Phạm Đoàn Anh Kiệt (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Phú Yên) nêu ý kiến đề xuất: Chính phủ cần tập trung cho các động lực tăng trưởng (về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới. Trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn nhiều thách thức, Quốc hội, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ. Điều này vừa cụ thể hóa được chủ trương của Đảng vừa phát huy được năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện các mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cử tri Phạm Đoàn Anh Kiệt đồng thuận với ý kiến cho rằng cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số để nhân dân dễ dàng tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ công. Cùng với đó, cá bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp nên thực hiện tốt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30/3/2022.
Thúc đẩy phát triển kinh tế, cải cách hành chính
Bên cạnh nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ trong thực hiện các giải pháp điều hành phát triển kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, cử tri tỉnh Phú Yên mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính góp phần để kinh tế - xã hội của cả nước phát triển.
Theo cử tri Nguyễn Đắc Tấn (cán bộ hưu trí ở thành phố Tuy Hòa), vừa qua, nhiều cơ quan báo chí nêu việc tỉnh Phú Yên có một số nhà đầu tư lớn báo cáo đề xuất triển khai thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất gang thép và lọc hóa dầu ở Hòa Tâm (thị xã Đông Hòa). Đây là những dự án rất lớn có quy mô hàng tỷ USD và sử dụng hàng nghìn lao động. Từ lâu, nhân dân tỉnh Phú Yên rất mong mỏi có những dự án lớn để tạo sức bật cho phát triển kinh tế. Thế nhưng nhiều năm vẫn chưa thực hiện được nên đến nay địa phương vẫn khó khăn và phải nhận sự hỗ trợ từ Trung ương. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần minh bạch thông tin về các dự án sắp được đầu tư này để tạo được sự đồng thuận và ủng hộ trong nhân dân…
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 nhận định: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu… Tại tỉnh Phú Yên, vấn đề này cũng được cử tri quan tâm. Đặc biệt là khi chỉ số PAR Index từ năm 2018 - 2022 luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và có 2 năm đứng cuối bảng xếp hạng (2018 và 2022).
Cử tri Phạm Đoàn Anh Kiệt (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Phú Yên) cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp điều hành phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tỉnh Phú Yên cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Nhân dân rất trông chờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện Chỉ thị về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận và tham gia của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên.
Với việc thực hiện cải cách hành chính toàn diện, mạnh mẽ ở tất cả các cơ quan khối Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội mong rằng các chỉ số PAR Index, PCI, PAPI, SIPAS của tỉnh Phú Yên sẽ được cải thiện vị thứ so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nếu làm tốt được điều này, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Phú Yên sẽ được cải thiện và thu hút thêm được doanh nghiệp. Người dân càng yên tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền địa phương.