Bên lề Quốc hội: Dấu ấn Tư lệnh ngành qua góc nhìn đại biểu 

Tại phiên họp ngày 10/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tính chất, phạm vi, nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có thể coi là bước đầu tổng kết, đánh giá cuối nhiệm kỳ đối với hoạt động giám sát của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị kim Ngân phát biểu kết luận Phiên chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đã thành công tốt đẹp với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Kết quả phiên chất vấn hôm nay sẽ là cầu nối giữa 2 khóa Quốc hội XIV và XV, chuyển tải những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khóa XIV trong việc theo dõi, giám sát, thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của cả nhiệm kỳ, tạo động lực, khí thế mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những nhiệm kỳ tiếp theo. Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu đã chia sẻ về dấu ấn của một số Tư lệnh ngành. 

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Nâng hệ số an toàn tài chính quốc gia

Tình hình tài chính trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện ở các chỉ số tổng hợp. Ngoài tốc độ tăng thu, tỷ lệ huy động vào ngân sách, thành tựu chính là nâng hệ số an toàn tài chính quốc gia, các chỉ số về nợ công, nợ quốc gia… đều được giãn cách. 

Nếu cuối nhiệm kỳ trước, tỷ lệ này là tiệm cận trần, không còn nhiều dư địa để tăng nguồn lực giải quyết vấn đề thì trong nhiệm kỳ này, sau 4 năm các chỉ số trên dần được “kéo xuống”. Do đó, năm 2020 vẫn có dư địa để huy động nguồn lực giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch bệnh và suy thoái kinh tế. 

Kết quả này có được từ việc nhất quán quan điểm trong tham mưu, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Đây cũng là điểm các đại biểu ghi nhận ở Tư lệnh ngành tài chính. 

Tài chính là lĩnh vực chuyên sâu, việc trả lời của Bộ trưởng chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã đưa ra được nhiều thông tin. Tuy nhiên, có những điểm còn cần có thời gian để làm rõ thêm vấn đề từ các chuyên gia như nội dung tăng thuế 5% đánh vào phân bón để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. 

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên-Huế): Giao thông và nông nghiệp đều “ghi điểm”

Về lĩnh vực giao thông, trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có những quyết sách liên quan đến đầu tư, quy hoạch tương đối đồng bộ; đặc biệt là đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ đi về cơ sở, cũng như chiến lược đường bộ, đường không, đường thuỷ… 

Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là đường nối tỉnh Cần Thơ - Sóc Trăng - Kiên Giang là đường độc đạo, mật độ lớn, chất lượng hiện đã xuống cấp. Đây là những vấn đề còn tồn tại đã được  Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận. 

Nhiệm kỳ này đã sắp hết, nhiệm kỳ tới cần có chiến lược lớn hơn, nhiều hơn nữa đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng Chính phủ và các địa phương cần giải quyết bài toán ngân sách để phát triển hệ thống giao thông cho vùng, tập trung mở rộng tuyến đường huyết mạch, sau đó là hệ thống đường xương cá nối với các tỉnh. 

Vì vốn ít, chúng nên tập trung ở vùng ở mật độ dân cư cao, có điều kiện phát triển kinh tế thông qua liên kết vùng; từ đó góp phần cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. 

Về kinh tế, tôi đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bởi Việt Nam là nước nông nghiệp và phải chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai bão lũ; đồng thời, nông nghiệp chủ yếu là sản xuất hàng hoá nên tác động rất lớn đến an sinh xã hội. 

Là Đại biểu Quốc hội, tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từ việc nhỏ nhất như bảo đảm nguồn cung và tham gia đưa giá thịt lợn về sát thực tế mặc dù có một khoảng thời gian các địa phương phải chịu tác động không nhỏ từ dịch tả lợn châu Phi. 

Ngành nông nghiệp đã có những bước đi thích hợp, tính toán bài toán nhập khẩu để điều chỉnh giá loại hàng hoá này. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có thêm những mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu ở những thị trường khó tính, hay vào thị trường châu Âu… 

Đương nhiên Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định từ các hiệp định thương mại quốc tế nhưng phải nói, Tư lệnh ngành nông nghiệp đã có sự năng động trong chỉ đạo, điều hành. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nắm chắc nhiều lĩnh vực, vấn đề như thuỷ sản, chăn nuôi, cây trồng cho đến việc chia sẻ khó khăn với những địa bàn thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp túc thực hiện một số nhiệm vụ như: điều tra, quy hoạch lại các loại rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh. Nêu cần thì có thể giao nhiệm vụ và phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ các loại rừng, nhất là những khu rừng ảnh hưởng đến đời sống của người dân; rà soát lại các nông, lâm trường từ bộ máy, quản lý, tổ chức chưa bảo đảm. 

Trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế rất cần các thương hiệu mạnh của quốc gia. Về vấn đề này cần lưu ý để có chiến lược lâu dài, đồng bộ về chế biến, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. 

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội): Không né tránh những vấn đề “nóng” trong nông nghiệp

Qua phiên chất vấn, các Bộ trưởng – Tư lệnh ngành, thành viên Chính phủ đã thể hiện trách nhiệm trước câu hỏi cũng như những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm; đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề ngành mình đã làm được và còn hạn chế. 

Tôi đặc biệt ấn tượng đối với ngành nông nghiệp qua phần trả lời rất thẳng thắn, trách nhiệm cũng như thể hiện hiệu quả trong điều hành thời gian qua của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Câu hỏi và câu trả lời cho thấy sự tương tác giữa đại biểu và tư lệnh ngành để làm rõ tận cùng vấn đề; trong đó có rất nhiều vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm.

Liên quan đến bão lũ, sạt lở đất năm nay có nhiều nguyên nhân; trong đó phải kể đến việc nhiều diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp trong khi đó chúng ta vẫn trồng rừng. Về việc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận việc phát triển rừng trồng với rừng tự nhiên thì công năng giữ đất rất khác nhau. Do vậy, biện pháp trong thời gian tới vẫn phải là trồng rừng, giữ diện tích rừng tự nhiên. 

Chúng tôi đặt niềm tin và kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn phải tiếp tục quan tâm đến vấn đề này bởi hành động của ngày hôm nay là tương lai cho ngày sau. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cập nhật thống kê kiểm soát, bản đồ phân bố rừng… để nắm được tác động về môi trường của việc trồng rừng và mất rừng nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực từ mưa, lũ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Thao (Đoàn Bình Dương): Kỳ vọng chuyển biến trong kết nối hạ tầng giao thông

Sau 2 ngày rưỡi làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần tiếp tục đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Tôi đặc biệt ấn tượng với Tư lệnh ngành giao thông – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải nắm rất sát nội dung của ngành và trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Các con số và thông tin được đưa ra mạch lạc, thuyết phục và có giải trình cả những bất cập cũng như hạn chế với sự phân tích nguyên nhân khá đầy đủ. 

Phát triển hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn và thẩm quyền quyết định không phải chỉ ở Bộ Giao thông Vận tải. Bởi vậy, cần khách quan trong đánh giá những phần việc mà Tư lệnh ngành đã làm được trong nhiệm kỳ này. Điều ghi nhận đầu tiên chính là việc quy hoạch để có cơ sở triển khai thực hiện qua từng giai đoạn. 

Đặc biệt, Tư lệnh ngành giao thông đã chú trọng và quan tâm đến việc tham mưu cho Chính phủ trong chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống giao thông theo vùng, nhất là tại khu vực phía Nam để tạo sự kết nối đồng bộ giữa các vùng miền.

Không chỉ trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được cũng như thừa nhận những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm… mà Tư lệnh ngành giao thông còn nêu được những giải pháp cụ thể trong tương lai. Với quyết tâm của người đứng đầu ngành giao thông, tôi kỳ vọng lĩnh vực này sẽ chuyển biến tích cực hơn nữa, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thu Hằng – Diệp Anh (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Cử tri đánh giá cao cách thức chất vấn và trả lời chất vấn 
Bên lề Quốc hội: Cử tri đánh giá cao cách thức chất vấn và trả lời chất vấn 

Sáng 10/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng, trưởng ngành, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN