Đáng giá chung sau mấy ngày diễn ra phiên chất vấn, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng đây là kỳ họp cuối cùng nên không khí khá sôi nổi, linh hoạt và chất lượng. Các đại biểu đặt câu hỏi đúng trọng tâm, các bộ trưởng hầu hết nắm rõ vấn đề, trả lời tương đối đầy đủ những nội dung, lĩnh vực mà cử tri cả nước quan tâm.
Tuy nhiên, theo đại biểu tỉnh Bình Định, thời gian trả lời chất vấn có hạn mà một số đại biểu lại tập trung hỏi quá nhiều về một lĩnh vực như quản lý rừng, nước, thiên tai... là không phù hợp.
"Nếu bộ trưởng không trả lời hết thì không đáp ứng yêu cầu của đại biểu nhưng nếu trả lời lại không có thời gian dành cho các nội dung, lĩnh vực khác", đại biểu nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng việc chất vấn các bộ trưởng về những vấn đề "nóng" mà dư luận quan tâm là rất đúng nhưng chưa thực sự phù hợp và hiệu quả. Đại biểu phân tích, trách nhiệm quản lý rừng hay cấp phép cho các công trình thuỷ điện hoạt động là do người đứng đầu địa phương nhưng các đại biểu lại tập trung chất vấn các bộ trưởng về nội dung này quá nhiều, gây mất thời gian trên nghị trường.
"Xét về mặt quản lý nhà nước, việc chất vấn bộ trưởng là rất đúng, nhưng các đại biểu nên tìm hiểu, chất vấn chủ tịch UBND các tỉnh thì sẽ hiệu quả hơn nhiều", đại biểu tỉnh An Giang nhận định.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng từ khi khai mạc kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa 14 đến nay kinh nghiệm, kỹ năng của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng lên, bản lĩnh được củng cố. Nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự công tâm, bình đẳng, đề cập đến những vấn đề gai góc trên diễn đàn Quốc hội; không phải lệ thuộc hay phụ thuộc vào bất cứ ai, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri.
Để chất lượng kỳ họp được nâng cao, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng trong phiên họp thảo luận về kinh tế, xã hội, các đại biểu Quốc hội không nên tranh luận với nhau mà dành thời gian để tranh luận với nhau ở các dự án luật sẽ đúng hơn và đảm bảo mục tiêu tốt hơn.
Phân tích sâu hơn về chất lượng, cách thức chất vấn, trả lời lời chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng thời gian để các đại biểu chất vấn được quy định 1 phút như hiện nay là hơi ngắn, chưa hợp lý. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri cả nước, có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc cần các thành viên Chính phủ trả lời, vì vậy, nếu thời gian kéo dài hơn, mỗi đại biểu được hỏi nhiều nội dung sẽ hiệu quả hơn.
Khẳng định Phiên chất vấn kỳ họp lần này diễn ra rất sôi nổi, không khí cởi mở, chất lượng, nhưng đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng văn hóa chất vấn còn có những hạn chế cần được khắc phục để hoạt động rất quan trọng này đạt hiệu quả cao hơn. Theo đại biểu tỉnh Sóc Trăng, các đại biểu Quốc hội vẫn nặng phần diễn giải, chưa thực sự đi vào trọng tâm, mục đích câu hỏi thường tập trung vào phần cuối nên hơi mất thời gian. Bên cạnh đó, một số đại biểu vẫn tiếp tục đặt câu hỏi ngay cả khi có nội dung chất vấn đã trùng với đại biểu trước.
"Chúng ta là những đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri cả nước để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước, nhưng cũng phải cần hiểu và lắng nghe nhau", đại biểu Nguyễn Đức Kiên khẳng định.
Đại biểu của tỉnh Sóc Trăng cho rằng khi đã có quy định chỉ được hai lần phản biện thì các đại biểu phải nghiêm túc làm theo cũng như tôn trọng người điều hành. Có vài đại biểu sau khi nghe bộ trưởng, Phó Thủ tướng trả lời rồi vẫn chưa hài lòng, tiếp tục bấm nút tranh thuận là vẫn chưa phù hợp...
Nhiều đại biểu cho biết, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và việc thực hiện những lời hứa, cam kết trước Quốc hội, cử tri và nhân dân là điều được các biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, nhất là tại thời điểm quan trọng, chuyển giao nhiệm kỳ. Các đại biểu mong muốn các bộ trưởng tiếp tục nỗ lực, tập trung cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.