Bên lề Quốc hội: Phiên chất vấn phản ánh bức tranh đất nước trong 5 năm qua

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, qua theo dõi, nhiều cử tri cả nước đã đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra ngày 9/11.

Cử tri đánh giá phiên chất vấn rõ ràng, dân chủ

Cử tri Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu đánh giá cao phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu diễn ra sôi nổi, dân chủ, có sự tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề. Nội dung chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát thực tiễn những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của nhân dân như: chính sách bảo hiểm y tế, chính sách bảo vệ rừng, tình trạng ùn tắc giao thông, chế độ lương hưu, điện lưới quốc gia, tinh giản biên chế…

Các đại biểu trả lời chất vấn đúng trọng tâm, giúp cử tri dễ hiểu. Đặc biệt phần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về nội dung bệnh nhân chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua rất rõ ràng, cụ thể. Phó Thủ tướng đã nêu rõ nguyên nhân, đồng thời, chỉ ra các giải pháp trọng tâm, cần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, đẩy mạnh tin học hóa trong lĩnh vực y tế để công khai, minh bạch trong việc khám chưa bệnh, chi trả bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, còn một số đại biểu trình bày dài dòng dẫn đến hết thời gian, một số câu trả lời còn chung chung, chưa đưa ra được nguyên nhân, giải pháp cụ thể.

Một trong những vấn đề cử tri Nguyễn Thế Phong quan tâm là chính sách y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách y tế cho đồng bào dân tộc thời gian qua có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống, sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 100% người dân tộc thiểu số được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và khi người dân nằm điều trị tại các cơ sở y tế công lập sẽ được chi trả 100%.

Theo ông Phong, chính sách y tế hiện còn gặp một số khó khăn như: Công tác tuyên truyền người dân chưa sâu, sát với dân; nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số chưa được nâng cao. Trước đây, tại các bản vùng cao đều được bố trí cô đỡ thôn bản, nhưng từ 1/10/2020, cô đỡ thôn bản không còn hoạt động. Điều này gây khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bởi Lai Châu là tỉnh biên giới có nhiều bản vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, người dân tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế, nên cần có vai trò của đội ngũ cô đỡ thôn bản. Vì họ là người trực tiếp tư vấn, tuyên truyền cho phụ nữ mang thai đến khám thai định kỳ tại cơ sở y tế, giúp các bà mẹ mang thai có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, sớm phát hiện thai nhi bị bệnh bẩm sinh.

Ông Phong mong muốn, Bộ Y tế sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế vùng miền để có định mức phù hợp, không áp dụng một cách đồng bộ giữa các tỉnh đồng bằng với miền núi. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, ngành Y tế Lai Châu mong muốn Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, để xây dựng dữ liệu hồ sơ điện tử liên thông từ xã đến tỉnh.

Cử tri Phan Quang Bắc, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Khun Há cho rằng: một trong những nguyên nhân gây lũ lụt hiện nay do tình trạng chặt phá rừng, kiến nghị chính quyền các cấp cần quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm đối với hành vi chặt phá rừng và tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ rừng.

Cấp bách quy hoạch lại hệ thống cảng thủy nội địa

Theo bà Phạm Bảo Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinalogistics (đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hải-Dầu khí Hưng Thái, số 92, Lý Tự Trọng, Phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), việc quy hoạch lại, tăng quy mô, năng lực hệ thống các cảng thủy nội địa là rất cấp bách, đặc biệt là phục vụ cho sự phát triển lớn mạnh của hệ thống cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải trong tương lai.

Bà Phạm Bảo Hạnh cho rằng, để hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải phát triển đồng bộ, tạo động lực kích thích các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa đầu tư, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, việc quy hoạch lại hệ thống các cảng thủy nội địa, thiết kế nâng chiều cao thông thủy của các cầu đường bộ, nạo vét luồng để đảm bảo các sà lan tự hành chở container hoạt động liên tục đang là yêu cầu cấp bách hiện nay đối với các tỉnh trong khu vực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác logistics, các hệ thống cảng cạn cần nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động cung cấp dịch vụ, thông tin được quản lý và chia sẻ bởi các cảng biển, hãng tàu, các nhà vận chuyển nội địa, đại lý giao nhận vận tải, các cơ quan quản lý. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao năng lực kết nối, chất lượng dịch vụ và tốc độ giải phóng hàng.

Chất vấn và trả lời chất vấn có trách nhiệm, trung thực và chất lượng

Cử tri Dương Hồng Kỳ, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho rằng, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này hầu hết là những vấn đề cụ thể, bức xúc mà cử tri quan tâm. Các đại biểu hỏi, tranh luận hay  Bộ trưởng trả lời đều có thái độ trung thực, trách nhiệm, mang tính xây dựng. Các đại biểu Quốc hội tại chất vấn hỏi đúng trọng tâm để các Bộ trưởng trả lời.

Công tác điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất dứt khoát, hợp lý. Nhất là Chủ tịch thường nhắc lại các câu hỏi của các đại biểu cho các Bộ trưởng trả lời, phân loại các câu hỏi cho các Bộ trưởng trả lời đúng thời điểm, đúng lĩnh vực... Tại phiên chất vấn kỳ này, việc đặt câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn đều ngắn gọn và đảm bảo thời gian quy định, chỉ có vài trường hợp trả lời quá thời gian...    

Cử tri Dương Hồng Kỳ cũng cho biết, mỗi một kỳ họp Quốc hội, thông qua nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã cho thấy hình ảnh của đất nước thu gọn trong một thời điểm nhất định như: 6 tháng, 1 năm hay tại kỳ họp này là bức tranh đất nước trong 5 năm qua về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, tư pháp ... Mỗi lần xem chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp như là được dự một lớp tập huấn để nắm đầy đủ thông tin về mọi lĩnh vực của đất nước.

Cử tri Nguyễn Văn Thuận của quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ cho biết: chỉ trong một phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 9/11 có rất nhiều nội dung đã được các bộ, ngành trả lời ngắn gọn. Trong tất cả các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề được cử tri quan tâm nhiều nhất là, Chính phủ cần quan tâm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phòng chống hạn và xâm nhập mặn như việc đầu tư xây dựng các hồ nước ngọt để trữ nước ngọt và vấn đề hạn chế khai thác nguồn nước ngầm để phòng, chống sụt lún đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm quý giá của vùng. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời khá rõ và cũng đề ra các chương trình, kế hoạch của Chính phủ về việc khảo sát, quy hoạch, đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt cho vùng trong thời gian tới.

Cử tri Nguyễn Văn Thuận mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nhanh chóng triển khai các quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về thủy lợi, giao thông để giúp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông và sụt lún đất...

Nói trúng vấn đề cử tri quan tâm

Theo dõi phiên chất vấn vào chiều 9/11, cử tri Lê Đình Hoan, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng: Việc thực hiện chất vấn ngày càng được Quốc hội đổi mới, không khí chất vấn sôi nổi, rất tập trung, dân chủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành rất khoa học, tránh được sự trùng lặp giữa các ý kiến khác nhau để rút ngắn thời gian hỏi và trả lời. Người chất vấn, người trả lời chất vấn, tranh luận đều đi vào trọng tâm vấn đề, không lòng vòng, dài dòng.

Nội dung tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau từ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sinh, bảo vệ môi trường, kể cả những vấn đề về tố tụng tư pháp... Thực tế, không chỉ chiều 9/11 mà những buổi chất vấn trước cũng tập trung vào những vấn đề “nóng”, nổi cộm được cử tri quan tâm như vấn đề về môi trường, hàng giả, hàng lậu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật không phù hợp hoặc trái với văn bản Luật. Hoặc những vấn đề về ma túy, tín dụng đen, đào tạo nguồn nguồn nhân lực, môi trường, phát triển thủy điện... Thông qua hoạt động chất vấn, nghị trường đã mang đầy đủ hơi thở cuộc sống nhằm đưa ra những quyết sách phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Chú thích ảnh
Cử tri Lê Đình Hoan, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk theo dõi và ghi chép về phiên chấp vấn chiều 9/11. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Theo cử tri Lê Đình Hoan, việc trả lời của các thành viên Chính phủ đã tập trung bám sát câu hỏi, đã đưa ra những căn cứ rất cụ thể, bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, số liệu cụ thể, bằng các chính sách trên thực tế. Từ đó, giúp người theo dõi tường thuật phiên họp trực tiếp, hiểu, nắm và thấy được rõ ràng vấn đề quan tâm. 

Những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn tại nghị trường đã phản ánh sát với thực tiễn, thực tế cuộc sống mà cử tri các vùng miền trong cả nước quan tâm. Chẳng hạn như bảo vệ tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng. Đắk Lắk là tỉnh cao nguyên có diện tích rừng tự nhiên lớn, có thể tạo ra lá phổi chung cho vùng Tây Nguyên . Vì vậy, vấn đề bảo vệ rừng đặc biệt là rừng tự nhiên cần phải quan tâm và có những chính sách hiệu quả hơn.

Cử tri Đoàn Ngọc Minh, đường Phạm Ngũ Lão, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tâm đắc với nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vấn đề phát triển vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển để ổn định, phát triển để không ai bỏ lại phía sau, phát triển để kéo gần khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, khoảng cách giữa các dân tộc.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Thông cáo báo chí số 11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Thông cáo báo chí số 11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Ngày 6/11/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 4, Đợt 2 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN