Đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế tùy vào tình hình thực tế
Ông Dương Tôn Bảo, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum đánh giá, buổi làm việc của Quốc hội đã diễn ra một cách nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo thời gian phát biểu của các đại biểu. Qua đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng cho Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Cử tri Dương Tôn Bảo cho rằng, hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp trên toàn thế giới. Tại nhiều nước, việc phong tỏa và hạn chế nhiều hoạt động vẫn đang được thực thi nhằm giảm tỉ lệ người dân mắc bệnh. Điều đó sẽ kéo theo nền kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí là suy thoái. Vì vậy, các đại biểu nêu ý kiến băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm 2021 khoảng 6% là có cơ sở.
“Có thể chúng ta đang làm tốt công tác kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhưng cũng cần đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế tùy vào tình hình thực tế như đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) hay đại biểu Dương Văn Thống (Đoàn Yên Bái) đưa ra. Dĩ nhiên việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo động lực phấn đấu, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tôi nghĩ chúng ta cần ít nhất hai kịch bản: 6% và 4 – 4,5% như đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra”, ông Dương Tôn Bảo đánh giá.
Theo dõi các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, cử tri Nguyễn Văn Hòa (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh vận tải) đánh giá cao các nội dung thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Cử tri Nguyễn Văn Hòa cho rằng, đây là những vấn đề lớn, được người dân cả nước quan tâm, đã được các đại biểu đưa ra phân tích cặn kẽ, nói đúng trọng tâm, thể hiện trách nhiệm cũng như sự chuẩn bị kỹ càng trước khi phát biểu.
Theo cử tri Nguyễn Văn Hòa, Quốc hội, Chính phủ nên tiếp tục có những chính sách giúp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đồng tình với ý kiến của đại biểu về vấn đề cải cách bộ máy và cán bộ, cử tri Hòa phản ánh, hiện nay vẫn còn tình trạng địa phương mời gọi đầu tư, nhưng quy trình thủ tục còn phức tạp, có đơn vị chậm giải quyết, thời gian kéo dài gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, khẩn trương giải quyết các hồ sơ mà đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thuận lợi cho việc làm ăn của doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Qua theo dõi các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về các vấn đề liên quan đến: Kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng..., cử tri Nghệ An cũng đã có nhiều tâm tư, ý kiến.
Cử tri Trần Xuân Hùng, đoàn viên thanh niên xã Yên Khê, huyện Con Cuông cho rằng, những năm gần đây Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cũng nhờ vậy đời sống người dân nông thôn đã và đang có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn đang tồn tại nhiều rủi ro có nguyên nhân do tác động trực tiếp từ yếu tố thời tiết và những tác động tiêu cực từ chính con người gây nên. Đó là tình trạng lũ lụt đang có chiều hướng gia tăng, không chỉ gây thiệt hại lớn cho người dân mà còn làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng khác trên địa bàn huyện. Tại xã Yên Khê, do ảnh hưởng của thời tiết, một tuần nay nhiều vườn cam trên địa bàn bị thiệt hại lớn.
Cử tri Trần Xuân Hùng kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách phù hợp hơn, quan tâm nhiều hơn đến các vùng nông thôn, miền núi; có giải pháp giúp người dân các địa phương miền núi giảm thiểu những thiệt hại do lũ lụt, mất mùa gây nên.
Cử tri Hoàng Mạnh Hùng, hội viên nông dân xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương đề nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương điều tra một cách chính xác, khoa học và trả lời một cách chính thống có hay không các nhà máy thủy điện nhỏ xã lũ là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng lũ lụt trong thời gian gần đây; nếu có nguyên nhân do các nhà máy thủy điện xả lũ làm thiệt hại cho người dân và các cơ sở hạ tầng trên địa bàn thì các nhà máy thủy điện phải có phương án đền bù và chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Ông Hùng cho rằng, Nghệ An có nhiều sông suối, hồ đập thủy điện và thủy lợi. Những năm gần đây, ngoài yếu tố thời tiết do mưa lớn kéo dài thì việc xả lũ của một số hồ đập cũng là tác nhân gây nên lũ quét, ngập lụt tại các vùng hạ du.
Nhiều cử tri trong tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, các phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước được các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trả lời một cách thẳng thắn, không né tránh những mặt còn yếu kém, tồn tại; cách điều hành của chủ tọa linh hoạt, khoa học; chất lượng ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu ngày càng nâng cao, đúng trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề.
Thúc đẩy phát triển khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long
Cử tri Nguyễn Huỳnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Kon Tum dành nhiều mối quan tâm với các ý kiến của đại biểu xoay quanh các vấn đề của khu vực Tây Nguyên. Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông và phát triển rừng.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk), ông Huỳnh phân tích, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông tại khu vực Tây Nguyên là rất quan trọng, thậm chí là vấn đề cấp bách, bởi điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn giúp giữ vững an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, giao thông cần phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông tại Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Trong khi đó, rừng là yếu tố vô cùng quan trọng ở khu vực Tây Nguyên, giúp chống xói mòn, lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, ông Nguyễn Huỳnh đánh giá cao ý kiến của đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) về việc cần tách bạch giữa rừng tự nhiên và rừng trồng. Theo ông Huỳnh, việc trồng rừng là việc làm cần thiết, mang lại hiệu quả trong việc giữ, bảo vệ và tăng độ che phủ rừng, song việc quan trọng nhất là cần phải bảo vệ và phát triển các diện tích rừng tự nhiên.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Hữu Thiện (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường và hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long) kiến nghị, đối với Đồng bằng sông Cửu Long, để giúp khu vực này phát triển một cách bền vững trong giai đoạn tới, Quốc hội nên ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết số 120.
Theo ông Thiện, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước “ngã ba đường”, trong đó, con đường đang đi theo hướng nông nghiệp thâm canh không bền vững cần phải thay đổi, cần rẽ sang con đường mới. Đó chính là theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dù đã được xác định là hướng đi đúng đắn nhưng theo cử tri Nguyễn Hữu Thiện, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 không đơn giản và cần nhiều thời gian. Do đó, mọi nguồn lực cho tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long nên tập trung đầu tư cho nghị quyết này.
“Tinh thần chính của Nghị quyết số 120 là thuận theo tự nhiên và chuyển đổi nền nông nghiệp, trong đó “chìa khóa” mở ra sự phát triển chính là chuyển đổi sang nền nông nghiệp bền vững hơn”, ông Thiện nói. Theo cử tri, trong giai đoạn tới, nông nghiệp ở miền Tây không nên chạy theo số lượng nữa mà phải chuyển sang tập trung vào chất lượng, tăng chuỗi giá trị, chế biến sâu để có thể tiếp cận những thị trường tốt hơn, thậm chí là thị trường trong nước vốn lâu nay bị bỏ quên.