Đất nước tiếp tục phát triển nhanh, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều ấn tượng nổi bật. Diện mạo đất nước qua 35 năm đổi mới cũng như sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khuyết điểm… đòi hỏi phải nghiêm túc sửa chữa, nỗ lực phấn đấu, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Chú trọng đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại nền kinh tế
Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Đỗ Thành Long, Bí thư Chi bộ Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm tới còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen, đặt ra những yêu cầu mới để đất nước phát triển. Trong quá trình phát triển bền vững đất nước, cần xác định phát triển kinh tế - xã hội có mối quan hệ mật thiết với bảo vệ môi trường.
Đồng chí Đỗ Thành Long cho biết: Các đảng viên trong Chi bộ Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đều cho rằng, phải chú trọng hơn nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển xã hội bền vững. Đặc biệt, phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Đồng chí Đỗ Thành Long nhấn mạnh việc cần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Góp ý vào dự thảo báo cáo thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Đỗ Thành Long cho rằng, báo cáo nêu sát, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, nhưng cần đánh giá cụ thể hơn tình hình thế giới sau Đại hội Đảng như vấn đề bất ổn, căng thẳng chính trị tại một số quốc gia, khu vực kinh tế, có xu hướng gia tăng tác động tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế thế giới. Qua đó, đánh giá cụ thể hơn tình hình, xu thế phát triển khoa học - công nghệ trên thế giới, sự sẵn sàng của khoa học - công nghệ Việt Nam trước các biến động và vấn đề toàn cầu trong thời gian gần đây như: Dịch bệnh, chiến tranh thương mại, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn... nhằm xây dựng hiệu quả các giải pháp phát triển khoa học - công nghệ phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành
Góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Hà Quốc Trung, Bí thư Chi bộ Trung tâm Công nghệ Thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng: Đổi mới giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, trong thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp càng khẳng định vai trò của khoa học - công nghệ trong công tác phòng, chống dịch, công nghệ thông tin hỗ trợ truy vết bệnh nhân, sơ đồ vùng dịch... Công tác thông tin truyền thông được đẩy mạnh, thông tin qua các mạng nội bộ, mạng xã hội cũng tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cơ chế, chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học - công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Đồng chí Hà Quốc Trung cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, sự ra đời của các giao dịch điện tử giúp kết nối người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền, các hệ thống thông tin điện tử (văn bản, dịch vụ công, chữ ký số...) giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, vì vậy cần đẩy mạnh việc tiếp cận công nghệ mới, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Hiện nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao, chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chưa có chính sách hợp lý về vay vốn, thuế, hỗ trợ phát triển, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Hệ thống thông tin, thống kê khoa học - công nghệ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ việc xây dựng các chiến lược, chính sách... để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Vì vậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo bằng các nhiệm vụ cụ thể, bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn tới việc máy móc thay thế sức người. Vì vậy, người làm khoa học cần phải làm chủ các công nghệ trên nền tảng 4.0.