Trao đổi bên lề Quốc hội chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá tích cực về các phiên chất vấn, nhất là phần trả lời chất vấn của 4 Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội:
Trong các phiên chất vấn, mỗi Bộ trưởng có một thế mạnh khác nhau, có Bộ trưởng trả lời đầy khẩu khí, trao đổi mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết; có Bộ trưởng điềm đạm, thận trọng, cách trao đổi hài hoà, gần gũi… Nhưng tựu trung các vị Bộ trưởng đều thể hiện rất am hiểu các lĩnh vực mình được giao trách nhiệm quản lý. Có nhiều vấn đề đại biểu nêu lên đã được giải quyết nhưng cũng có những vấn đề chưa được giải quyết do nhiều lý do và các Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, không né tránh.
Đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng có phong thái trả lời rất điềm đạm, thận trọng, qua phần trả lời đã giúp đại biểu, cử tri hiểu hơn về các lĩnh vực của ngành Thông tin và Truyền thông. Không chỉ là quản lý thông tin báo chí, mạng xã hội mà lĩnh vực này còn có nhiều mảng khác liên quan đến công nghệ, kinh tế, đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế như: Các doanh nghiệp IT đóng góp lên tới hàng trăm tỷ USD, việc phát triển nền tảng công nghệ thông tin sẽ kiềm chế được mặt trái của thông tin trên mạng…
Trong phần đăng đàn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tôi ấn tượng nhất với phần trả lời ngắn gọn của ông khi đại biểu hỏi về việc phát triển mạng Lotus. Bộ trưởng đã cho rằng muốn phát triển phải tránh việc phát triển quá nóng, ồ ạt dẫn tới không quản lý nổi, nên làm một cách rất thận trọng. Qua câu trả lời này chúng tôi hoàn toàn tin tưởng về sự phát triển của sản phẩm này.
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum:
Qua các phiên chất vấn tôi thấy cả 4 Bộ trưởng đều đã trả lời tốt, nắm chắc các vấn đề trong ngành của mình; mỗi Bộ trưởng có phong cách trả lời khác nhau, có bộ trưởng rất sôi nổi, có Bộ trưởng lại điềm tĩnh tạo nên không khí riêng trong từng phiên chất vấn. Việc chất vấn chia thành từng nhóm vấn đề cũng đã đảm bảo được trọng tâm của mỗi phiên. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực tranh luận với các câu hỏi rất trúng, sát vấn đề, truyền đạt được những vấn đề mà cử tri quan tâm, mong muốn được giải quyết qua những hoạt động thực tiễn của mình. Trong phần trả lời của mình, các Bộ trưởng đều đã đưa ra các giải pháp để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, tuy nhiên nhiều vấn đề cần phải cụ thể hơn, rõ hơn với những giải pháp căn cơ. Đơn cử như vấn đề quản lý cán bộ công chức của Bộ Nội vụ, phải làm sao để đánh giá sát hơn nữa chất lượng cán bộ, công chức; giải quyết những nguyện vọng, bất cập về quyền lợi của viên chức nhất là với giáo viên đang có rất nhiều chuyện bức xúc. Những vấn đề này cần làm rõ hơn nữa để các thầy cô giáo yên tâm hơn về cách xử lý với những nguyện vọng của họ trong thời gian tới.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, đoàn Bình Định:
Trong phần trả lời chất vấn, mỗi Bộ trưởng có một nét riêng. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trả lời rất thẳng thắn các vấn đề, chịu trách nhiệm với những vấn đề còn tồn tại của ngành mình. Bộ trưởng Bộ Nội vụ gây ấn tượng với việc nhận khuyết điểm, trách nhiệm thậm chí nói là sẽ viết kiểm điểm để báo cáo Thủ tướng; có thể nhiều người cho rằng người đứng đầu ngành cái gì cũng nhận khuyết điểm nhưng trước mắt việc nhận ra được khuyết điểm, những điều chưa làm được mới có thể đưa ra những cách làm tốt hơn. Lần đầu trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã trả lời rất rõ, cụ thể những nội dung của đại biểu chất vấn, đưa ra được các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, tôi ấn tượng nhất là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Bộ trưởng rất thẳng thắn nhưng cũng hài hước làm cho không khí hội trường không bị căng thẳng, đại biểu cảm thấy khá thoải mái.