Ảnh bài báo đăng trên tờ Nhật báo Hàn Quốc (Hankook Ilbo) ngày 17/3. |
Dưới tiêu đề “Ban lãnh đạo mới của Việt Nam tiếp tục chính sách đổi mới về kinh tế”, chuyên mục “Good morning Ambassador” phiên bản tiếng Hàn của tờ Nhật báo Hàn Quốc (Hankook Ilbo), một trong bốn tờ báo lớn nhất tại nước này, số ra ngày 17/3 đã đăng bài viết của nhà báo Jeong Ji Yong dựa trên nội dung cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí về tình hình Việt Nam, quan hệ song phương Việt – Hàn, đặc biệt là triển vọng hợp tác trên lĩnh vực kinh tế trong thời gian tới và một số vấn đề khu vực nổi lên thời gian vừa qua. Sau đây là toàn văn nội dung bài báo:
Hàn Quốc và Việt Nam đã là quan hệ “đối tác chiến lược” dưới góc độ hợp tác kinh tế. Việt Nam là thị trường lớn xuất khẩu lớn thứ 4 của Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam, một nước Xã hội Chủ nghĩa, là đối tác “vừa gần mà vừa xa” do vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với cả Triều Tiên. Tại Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam gần đây, sự thay đổi trong ban lãnh đạo cũng đã làm xuất hiện lo ngại về “khả năng thụt lùi” trong chính sách “đổi mới” tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong trả lời phỏng vấn, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí đã khẳng định “mục tiêu của ban lãnh đạo mới vẫn là tăng trưởng kinh tế” và “tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế thị trường”. Liên quan đến nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đối với Triều Tiên, Đại sứ Phạm Hữu Chí cho biết “là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ nghiêm túc tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên”. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn ngày 4/2 vừa qua:
* Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua, đã có một số sự thay đổi trong ban lãnh đạo. Sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào, thưa Đại sứ, và ưu tiên kinh tế, chính trị của Việt Nam trong 5 năm tới?Đại sứ Phạm Hữu Chí: Tôi muốn làm rõ rằng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào tháng Một vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện một số thay đổi. Trước hết, việc tổ chức đại hội nói chung và việc lựa chọn ban lãnh đạo mới nói riêng được tiến hành trong không khí dân chủ, minh bạch và cởi mở nhất. Thứ hai, có nhiều nhà lãnh đạo trẻ được thay thế vào những vị trí mà các nhà lãnh đạo đương nhiệm tự nguyện không ứng cử tiếp tại nhiệm kỳ này. Cùng với đó, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tiếp tục của quá trình đổi mới toàn diện, tức là Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách định hướng kinh tế thị trường về mặt kinh tế; dân chủ, công khai, minh bạch về mặt chính trị với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ưu tiên của chúng tôi trong 5 năm tới là đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ổn định và bền vững ở mức từ 6 đến 7%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.500 USD vào năm 2020, cùng với việc duy trì môi trường hòa bình và sự ổn định chính trị gắn với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
* Đang xuất hiện lo ngại về sự chững lại trong tốc độ mở cửa kinh tế của Việt Nam cùng với sự thay đổi trong ban lãnh đạo. Xin Đại sứ cho biết quan điểm trong các chính sách kinh tế tiếp theo của Việt Nam?Đại sứ Phạm Hữu Chí: Tôi tin rằng hầu hết giới doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cả Hàn Quốc, đều cho rằng với ban lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách kinh tế thị trường của mình. Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu của chúng tôi trong 5 năm tới là rất rõ ràng, đó là tập trung vào phát triển kinh tế. Những mục tiêu này không thể đạt được nếu Việt Nam tách khỏi xu hướng chủ đạo của kinh tế thế giới đó là kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế với các FTA song phương và đa phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ TPP và các FTA, trong đó có FTA Việt Nam-Hàn Quốc.
* Đại sứ đánh giá như thế nào về nghị quyết trừng phạt vừa qua của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên?Đại sứ Phạm Hữu Chí: Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ nghiêm túc tuân thủ tất cả các nghị quyết của HĐBA LHQ, bao gồm cả Nghị quyết số 2270 vừa qua của HĐBA áp đặt các biện phát trừng phạt đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Chúng tôi cũng mong muốn tất cả các bên liên quan sẽ nỗ lực hợp tác và đối thoại để đưa ra một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
* Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề tranh chấp liên quan đến Biển Đông. Vậy Việt Nam đang có kế hoạch đối phó thế nào với Trung Quốc?
Đại sứ Phạm Hữu Chí: Gần đây, Trung Quốc đã có các hành vi làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông như mở rộng, bồi đắp, xây dựng các thực thể nhân tạo, trong đó có các thực thể quân sự. Những hành động này là bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và các hiệp định mà Trung Quốc và các nước trong khu vực đã tham gia ký kết, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Nghiêm trọng hơn, những hành động này đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông, ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều nước liên quan, trong đó có Hàn Quốc. Chúng tôi mạnh mẽ phản đối và yêu cầu chấm dứt các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng quốc tế để nhằm chặn những hành động này.
* Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Xin Đại sứ cho biết những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam là gì?
Đại sứ Phạm Hữu Chí: Trong năm 2015, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,68% và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây. Hơn nữa, đây là một tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua đến từ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, với mức tăng trưởng lần lượt là 9,39% và 10,82%. Lĩnh vực dịch vụ cũng có sự tăng trưởng tốt ở mức 6,33%. Lĩnh vực thương mại cũng có những đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng này. Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam đã tăng 10%, đạt 328 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 162 tỷ USD. Trên hết, những thành tựu kinh tế kể trên dựa trên nền tảng môi trường chính trị ổn định và việc triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách trong lĩnh vực tài chính và quản lý ngân sách giúp đồng nội tệ tương đối ổn định và duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý.
* Trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đã đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, xin Đại sứ cho biết những lĩnh vực nào sẽ là tiềm năng nhất đối với các công ty Hàn Quốc?
Đại sứ Phạm Hữu Chí: Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người và nền kinh tế đang phát triển năng động với tốc độ tăng trưởng ổn định vì vậy chúng tôi có rất nhiều lĩnh vực rất tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc. Về những ngành có nhiều triển vọng nhất, điều này sẽ phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi nhà đầu tư dựa trên lĩnh vực kinh doanh và thế mạnh của họ. Theo quan điểm cá nhân của tôi, các công ty Hàn Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục thành công trong các lĩnh vực như sản xuất, xây dựng, bất động sản du lịch (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf), dệt may, ngân hàng..., và ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa và truyền thông... Hiện có hơn 5.000 công ty Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh trên hầu hết các lĩnh vực tại Việt Nam nên tôi có thể nói rằng tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam là rất hứa hẹn cho các công ty Hàn Quốc.
Cụ thể, trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020, Việt Nam tập trung phát triển 6 ngành công nghiệp chủ chốt có hàm lượng giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh quốc tế, bao gồm điện tử, máy móc thiết bị nông nghiệp, sản xuất nông-thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, ô tô và phụ tùng thay thế. Các ngành công nghiệp chủ chốt sẽ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao (công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ nano, vật liệu mới, năng lượng mới...) và công nghệ xanh. Đến năm 2020, các ngành công nghiệp chủ chốt trong các lĩnh vực được ưu tiên sẽ mở rộng ít nhất 20% mỗi năm và đóng góp 35% vào tổng giá trị công nghiệp của cả nước. Việt Nam cũng đã và đang chú trọng phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, thủy điện), công nghiệp xử lý chất thải... Tôi cho rằng đây là những lĩnh vực mà các công ty Hàn Quốc đang rất quan tâm vì hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển và trên thực tế nhiều công ty Hàn Quốc đã đạt được thành công lớn trong các lĩnh vực này. Chúng tôi cũng chào đón sự tham gia của các công ty nước ngoài trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (thông qua cổ phần hóa), tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng (thông qua việc trở thành các đối tác chiến lược, mua bán nợ xấu), và xây dựng hạ tầng giao thông như sân bay, đường cao tốc, cảng biển…