Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho biết, hơn hai năm đại dịch đã khiến nhiều ngành nghề, trong đó có báo chí, gặp nhiều khó khăn. Nhưng trên thực tế, những khó khăn này đã xuất hiện từ trước đó.
Năm 2017, khi sang chia sẻ kinh nghiệm tại TTXVN, chuyên gia của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA) Bernt Olufsen, cựu Tổng biên tập tờ Verdens Gang của Na Uy, đã từng nói rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp ích nhiều cho cuộc sống, nhưng mặt trái của nó lại khiến chúng ta không thể lường hết được và báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sống còn.
Viện nghiên cứu báo chí của Reuters cho biết, truyền thông đang ở giai đoạn web 3.0, khi người dùng internet cũng có thể tự tạo ra nội dung và tự kiếm tiền, còn những nền tảng báo chí truyền thống lại đang mất dần độc giả.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, trực tiếp đi tìm độc giả ở các nền tảng số, phát triển các mô hình kinh doanh mới mẻ. Tại giải thưởng báo chí thường niên ở từng khu vực, WAN-FRA cũng đã lập ra một hạng mục mới là “Đa dạng hóa nguồn thu” nhằm khuyến khích các tòa soạn đổi mới sáng tạo.
Ở trong nước, để tăng nguồn thu, một số tòa soạn báo chí đã đẩy mạnh mô hình tổ chức sự kiện, tối ưu hóa quảng cáo kỹ thuật số trên báo điện tử, thực hiện các gói dịch vụ thông tin cho các doanh nghiệp, đăng ký trả phí...
“Chính vì vậy, Tọa đàm ‘Mô hình kinh doanh báo chí: Lựa chọn nào cho Việt Nam’ sẽ mang tính chất gợi mở, giải quyết một trong những bài toán khó nhất đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay. Những ý kiến, ý tưởng cũng như kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ góp phần giúp các tòa soạn tìm ra hướng đi phù hợp nhất, vừa giải được bài toán kinh tế, vừa giải được bài toán công nghệ trong giai đoạn chuyển đổi số”, ông Trần Tiến Duẩn chia sẻ.
Báo cáo tổng kết năm 2021 của WAN-IFRA cho thấy, những mô hình như tổ chức sự kiện, spin-off (tạm dịch là liên kết xuất bản), thương mại điện tử, kinh doanh dữ liệu… là những hình thức có thể giúp các tòa soạn tối đa hóa nguồn thu từ hoạt động báo chí của mình.
Cuốn sáng tạo báo chí do Mạng lưới truyền thông quốc tế FIPP phát hành thường niên (được TTXVN xuất bản tại Việt Nam) cũng luôn cập nhật những mô hình kinh doanh mới, phân tích ưu thế cũng như trở ngại mà các tòa soạn gặp phải khi áp dụng những mô hình ấy.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã có những ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để đa dạng nguồn thu cho báo chí Việt Nam trong giai đoạn kỷ nguyên số như hiện nay.
Bà Hoàng Thủy Chung, nguyên Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, tổ chức sự kiện là mảng quan trọng mà gần đây các cơ quan báo chí đều cố gắng xây dựng bên cạnh những sản phẩm lõi về nội dung. Những hoạt động sự kiện giúp làm giàu hơn hệ sinh thái của các cơ quan báo chí, làm thương hiệu tốt, tiếp cận độc giả tốt hơn và mang lại doanh thu đáng kể.
Báo cáo của WAN-IFRA cho thấy, trong khi lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số, từ độc giả số đang tăng thì lợi nhuận từ quảng cáo truyền thống lẫn khu vực phát hành báo in tiếp tục giảm sâu. Chính vì vậy, báo chí cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số, tận dụng những công nghệ, công cụ hiện đại… để tăng nguồn thu cho mình.
Cụ thể, các cơ quan báo chí cần tiến hành thu thập dữ liệu độc giả, không chỉ đơn giản là hiểu được độc giả của mình là ai, mà còn nhằm khai thác những tiềm năng của nguồn tài nguyên mới quan trọng nhất trong thế kỷ XXI - tài nguyên dữ liệu.
Theo bà Hoàng Thủy Chung, việc sử dụng những công cụ hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm giữ chân và phát triển độc giả trung thành có thể giúp báo chí tăng lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số, đồng thời bước vào lĩnh vực mới là thu phí bạn đọc. Cả WAN-IFRA, Viện nghiên cứu báo chí Reuters lẫn FIPP đều coi đây mới là nguồn thu mang tính bền vững của báo chí. Mặc dù vậy, đây vẫn là con đường nhiều chông gai đối với báo chí Việt Nam. Những tờ báo đang tiến hành thử nghiệm thu phí độc giả như VietnamPlus, VietnamNet hay tạp chí Ngày Nay đều chưa tạo được sức bật từ mô hình này.
“Cần thiết tạo ra những sản phẩm nội dung có thông điệp mạnh mẽ, cụ thể, tác động đến đối tượng độc giả mục tiêu. Làm như vậy sẽ luôn có doanh nghiệp đồng hành, đồng thời tạo khác biệt và chiều sâu cho mỗi cơ quan báo chí”, bà Hoàng Thủy Chung nhấn mạnh.
Ông Chu Minh Trường, Tổng thư ký tòa soạn tạp chí Nhịp cầu đầu tư chia sẻ kinh nghiệm thành công tại cơ quan báo chí của mình khi cho rằng vì là tạp chí chuyên sâu về kinh doanh, nên ông sẽ tập trung đầu tư cho đối tượng độc giả đặc thù là các doanh nhân. Mô hình mà Nhịp cầu đầu tư kiên định theo đuổi đồng thời đạt được thành công vững chắc là kết hợp giữa phát hành và tổ chức sự kiện, giải thưởng, xuất bản các báo cáo chuyên đề, dữ liệu dành cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập tạp chí VietnamFinance cho rằng, Việt Nam vẫn luôn là một thị trường lớn cho hầu hết mọi loại hình hàng hóa dịch vụ, với lượng bạn đọc trải rộng trên toàn quốc. Dư địa thị trường cho các hoạt động kinh doanh báo chí là rất lớn.
"Với việc sản xuất/xuất bản các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của nhóm bạn đọc mà mình đang hướng tới thì việc tìm kiếm nguồn doanh thu từ quảng cáo là khả thi. Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ triển khai các hoạt động tổ chức sự kiện (online) cũng như hình thức thu phí độc giả, khi các điều kiện pháp lý và kỹ thuật cho phép”, ông Hoàng Anh Minh khẳng định.