Từ thực tiễn hơn 50 năm qua, Một ASEAN đoàn kết, gắn kết chặt chẽ, chung tay xây dựng cộng đồng sẽ giúp ASEAN vượt qua thách thức, phát triển bền vững. Đó cũng chính là cơ sở để ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong khu vực và ASEAN cũng là một thị trường đủ lớn cho phát triển những ý tưởng mới, kinh doanh sáng tạo, là điểm đến đầu tư hấp dẫn của toàn cầu.
Mục tiêu liên kết sâu rộng hơn
Liên kết ASEAN là một tiến trình liên tục, phát triển từ thấp đến cao, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc, tạo nền tảng, động lực cho giai đoạn phát triển mới cao hơn. Do vậy, trong năm 2014 - 2015, ASEAN đã tích cực xác định một khuôn khổ chiến lược mới đến năm 2025 để kế tục Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó đề ra định hướng, mục tiêu, biện pháp tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN.
Tháng 11/2015, các Lãnh đạo ASEAN đã ký “Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, trong đó kèm theo văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và ba Kế hoạch tổng thể để triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng; nhất trí bộ văn kiện này sẽ bao gồm cả Kế hoạch kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển (thông qua trong năm 2016).
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đề ra định hướng tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu bao trùm là đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực. Một Cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi của người dân, mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân.
Tại cuộc họp trực tuyến liên ngành của các Quan chức cao cấp ASEAN thảo luận về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết: “ASEAN đang bước vào thời kỳ hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong 5 năm hình thành, phát triển cộng đồng ASEAN, chúng ta đã và đang đối diện với nhiều thách thức, cơ hội trong bối cảnh tình hình khu vực và toàn cầu thay đổi nhanh chóng, phức tạp. ASEAN đã cho thấy sự năng động, cầu tiến, tầm nhìn xa trong xác định đường hướng phát triển cho Hiệp hội trong hơn 5 thập kỷ qua”.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể để triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng là sản phẩm của sự đồng thuận, phản ánh tầm nhìn, lợi ích chung của các nước thành viên về ASEAN trong năm 2025. Những điểm đáng chú ý là: đề ra mục tiêu liên kết sâu rộng hơn, đồng thời coi trọng hơn cơ sở pháp lý và người dân cũng như đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN. Mối quan hệ gắn kết, bổ trợ giữa 3 trụ cột Cộng đồng được thể hiện đậm nét qua các mục tiêu xuyên suốt (liên kết và gắn kết, dựa trên luật lệ, nâng cao năng lực, hướng tới người dân, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, năng động, sáng tạo, phát triển bền vững, quan hệ rộng mở với bên ngoài trong lúc bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN).
Tại Cuộc họp trực tuyến liên ngành của các Quan chức cao cấp ASEAN thảo luận về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, các nước tham gia cuộc họp đề nghị Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần mang tính bao trùm, gắn kết chặt chẽ các nội dung hợp tác trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN. Các khía cạnh hợp tác về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, phát triển bao trùm, khả năng nhanh nhạy, ứng phó hữu hiệu với các thách thức đang nổi lên, cách tiếp cận hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đưa Cộng đồng ASEAN đến gần hơn với người dân, nâng cao vai trò trung tâm, vị thế quốc tế của ASEAN… được các nước ASEAN nhấn mạnh trong xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.
Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần xác định rõ tính chất, bản chất của ASEAN là cơ sở quyết định các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức hoạt động của ASEAN trong tương lai.
Triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đạt kết quả tích cực
Xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 4 năm qua về cơ bản đạt kết quả tích cực và khả quan, thể hiện ở tiến độ thực thi cam kết trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể đi kèm. Về chính trị-an ninh, tỷ lệ hoàn thành các dòng hành động trong Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN đạt 94% (chỉ còn 16/290 dòng hành động chưa hoàn thành). Về kinh tế, tính đến 30/9/2019, ASEAN đã hoàn tất 76/170 ưu tiên.
Liên kết kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã trở nên vững chắc, tạo thành vùng đệm quan trọng giúp ASEAN chống lại các cú sốc kinh tế lớn từ bên ngoài... Về văn hóa - xã hội, đến 30/9/2019, có 954 hành động đã góp phần giải quyết 109 các biện pháp chiến lược của Cộng đồng Văn hóa – xã hội, tăng 25 hành động so với năm 2018. Về tổng thể, 13% đã được hoàn thành, 51% đang được triển khai còn 36% sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Nhiều hoạt động sôi nổi liên quan đến quảng bá, nâng cao nhận thức về ASEAN, giao lưu nhân dân, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người dân cũng đã được triển khai.
Các trụ cột đều đã xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá gắn với kế hoạch công tác của từng lĩnh vực chuyên ngành, góp phần đảm bảo hiệu quả, tiến độ thực thi cam kết. Bên cạnh đó, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn 3 Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn 2016-2020 được thực thi bài bản, các nước đã xác định được các dự án ưu tiên và các đầu mối của từng quốc gia triển khai các lĩnh vực cụ thể. Qua 4 năm triển khai, Kế hoạch này đã thực hiện được 19/26 ưu tiên (chiếm 73%).
Về tình hình triển khai các cam kết, ASEAN đã hoàn tất thủ tục 239 công cụ pháp lý, trong đó 22 công cụ đang chờ hoàn tất thủ tục. Đáng chú ý, ASEAN đã xác định được danh mục, các cơ quan chủ trì điều phối triển khai các vấn đề liên ngành, liên trụ cột, trong đó có: phòng chống mua bán người, an ninh, hợp tác biển, chống khủng bố, an ninh mạng, gìn giữ, kiến tạo hòa bình hậu xung đột, nhân quyền, phòng chống ma túy, tội phạm môi trường, chống rửa tiền, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hạt nhân, quản lý biên giới…
Nhìn chung, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gần đây dành nhiều ưu tiên cho các đối tượng như phụ nữ, trẻ em, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy các chương trình hợp tác phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, các biện pháp bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Tầm nhìn ASEAN 2025 được gắn kết với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng cho thấy ASEAN đang nỗ lực vươn ra bên ngoài, phấn đấu trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Hiệu quả bộ máy tổ chức, lề lối làm việc của ASEAN đã được cải thiện từng bước, nhiều vấn đề liên ngành, liên trụ cột đang được xử lý tích cực. Vừa qua, các nước đã nhất trí áp dụng một số cải tiến hình thức tổ chức họp với các đối tác và nhận được sự hoan nghênh của tất cả các bên.
Theo Tiến sỹ, Đại sứ Luận Thùy Dương, Học viện Ngoại giao, ASEAN đã bắt đầu một hành trình mới với tên gọi Cộng đồng, tràn đầy quyết tâm, tự tin. Một ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phát triển bền vững và mạnh mẽ sau 2025 chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại cho các nước thành viên, cho Việt Nam, cho khu vực nhiều lợi ích to lớn và thiết thực hơn. Việt Nam đã là một thành viên có trách nhiệm trong 25 năm qua, sẽ tiếp tục có những đóng góp, có vai trò to lớn hơn trong những năm tiếp theo. Với phương châm chủ động, tích cực, có trách nhiệm, thích ứng cao, Việt Nam sẽ có những đóng góp hữu hiệu cho một Cộng đồng ASEAN ngày càng đoàn kết và vững mạnh.
Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ phát huy những thành quả, tiếp nối nỗ lực của các kỳ Chủ tịch tiền nhiệm, để cùng các thành viên định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN đến 2025 và xa hơn.
Bài cuối: Nỗ lực củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất của ASEAN