Xử lý nghiêm vi phạm
Tại Đắk Lắk, sau Hội nghị “Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020”, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo thực hiện như: Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/10/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp khôi phục và phát triển rừng bền vững tỉnh Đắk Lắk; Chương trình số 13/CTr-TU ngày 19/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 1287-QĐ/TU ngày 04/1/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đôn đốc thanh tra, kiểm tra, điều tra giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và nhiều chỉ đạo khác.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh xây dựng ban hành Quyết định số 3419/QĐ-UBND ngày 13/11/2019 về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019, trong đó đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần đạt được, triển khai các giải pháp tổng hợp và đặc biệt là các giải pháp xử lý đồng bộ những vấn đề dân sinh, kinh tế đang tạo áp lực lớn đối với rừng, đặc biệt là giải pháp về nguồn lực, kinh phí đầu tư để bảo vệ và khôi phục rừng.
Tỉnh Đắk Lắk cũng rà soát các dự án cấp thiết để giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, các dự án ổn định dân di cư tự do mà trước đây đã dự kiến lấy từ quỹ đất rừng do không thể cân đối từ quỹ đất khác. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà có liên quan đến phải chuyển đổi một bộ phận rừng, đất rừng (diện tích này không lớn), để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ xem xét cụ thể, cho chủ trương giải quyết. Nội dung này cũng là thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; qua đó làm giảm áp lực phá, lấn chiếm rừng để làm nương rẫy.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, từ năm 2015 đến nay, các cấp, ngành của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, lập hồ sơ xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp. Từ năm 2015 đến tháng 4 năm 2020 đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 7.017 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã xử lý hành chính: 6.959 vụ; xử lý hình sự: 90 vụ/77 bị can. So với giai đoạn (2010-2014), số vụ vi phạm đã giảm 30,5% (giảm 3.093 vụ). Từ năm 2017 đến nay, những năm sau số vụ vi phạm đều giảm so với năm trước.
Tỉnh Đắk Nông được xem là địa phương đi đầu, quyết liệt thực hiện xử lý vi phạm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, kể cả việc xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tháng 12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn ký Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND, ngày 30/12/2016 quy định về xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây là quyết định quan trọng, quy định rõ trách nhiệm chủ rừng; UBND cấp xã, phường, thị trấn; kiểm lâm địa bàn; trạm kiểm lâm, trạm cửa rừng; hạt kiểm lâm khu bảo tồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; hạt kiểm lâm cấp huyện, thành phố.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, tính đến hết năm 2019, sau 2 năm thực hiện Quyết định 44, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng đã nâng cao vai trò, trách nhiệm, từng bước thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong 2 năm 2017 và 2018, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 1.000 vụ phá rừng, với gần 500 ha rừng bị thiệt hại.
Căn cứ vào Quyết định 44, các ngành chức năng đã xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng. Điển hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã ban hành 19 quyết định kỷ luật cán bộ, công chức kiểm lâm liên quan đến các vụ phá rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm 17 công chức kiểm lâm vì chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm để xảy ra phá rừng. Đối với cấp xã, UBND huyện, thị xã đã tổ chức kỷ luật, cảnh cáo 1 người, khiển trách 5 người, kiểm điểm rút kinh nghiệm 15 người và 5 ban lâm nghiệp xã.
Tháng 9/2016, Công an tỉnh Đắk Nông xác lập chuyên án (TX0916) và triển khai các kế hoạch chuyên đề tập trung đấu tranh trấn áp, xử lý tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Sau gần 3 năm (từ tháng 9/2016 - 8/2019), lực lượng Công an Đắk Nông đã tiếp nhận, xử lý hơn 500 vụ việc với gần 550 đối tượng vi phạm; Trong đó, ngành chức năng đã khởi tố 138 vụ với 250 bị can, chủ yếu các tội “hủy hoại rừng”, “Đưa hối lộ”, “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”… Lực lượng Công an cũng đã triệt phá, làm tan rã 21 nhóm với 125 đối tượng liên quan đến hoạt động bảo kê, chặt phá rừng; tranh chấp, lấn chiếm, mua bán trái phép đất rừng… Đồng thời chuyển cơ quan chức năng xử lý hành chính 330 vụ với 258 đối tượng về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản.
Bảo vệ được rừng nhờ lệnh đóng cửa rừng
Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) đầu tư phát triển Đại Thành (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông) được giao quản lý, bảo vệ hơn 18.000 ha rừng tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Theo ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty, lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ là một giải pháp bảo vệ, phục hồi rừng, góp phần ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Công ty thấy đây là giải pháp rất hợp lý, cần thiết, trong bối cảnh rừng tự nhiên tại Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung liên tục suy giảm trong vòng mấy chục năm qua.
Tác động trực tiếp của chính sách này là từ thời điểm đóng cửa rừng đến nay, toàn bộ diện tích rừng được giao cho Công ty quản lý, bảo vệ hầu như không xảy ra tình trạng phá rừng để khai thác gỗ trái phép hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp. Chất lượng, trữ lượng rừng tăng nhanh, đều đặn qua từng năm đã góp phần trực tiếp vào việc ổn định khí hậu, gìn giữ nguồn nước trong khu vực. Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Công ty vào tháng 10/2019, từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm trữ lượng gỗ của Công ty tăng 18.000m3. Như vậy, trong vòng 5 năm (từ 2014 – 2019), trữ lượng gỗ trên lâm phần được giao cho Công ty đã tăng gần 100.000 m3.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông) được giao quản lý, bảo vệ gần 23.500 ha đất rừng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty cho biết lệnh đóng cửa rừng đã tạo nên một hành lang pháp lý, một nền tảng quan trọng và hết sức thuận lợi cho đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nhờ lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ, tiếp theo đó là Quyết định 44 của UBND tỉnh Đắk Nông (Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND, ngày 30/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quy định về xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông) cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp đã vào cuộc mạnh mẽ để phối hợp, hỗ trợ với đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc phá rừng khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp giảm mạnh về số vụ cũng như quy mô. Rừng được bảo vệ, bảo tồn để phát triển, trữ lượng tăng mạnh và tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cơ bản được ngăn chặn.
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông khẳng định lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ đã bảo tồn, bảo vệ được tài nguyên rừng tự nhiên đang trên đà suy giảm mạnh trong thời gian dài trước đó. Lệnh đóng cửa rừng cũng đã chặn đứng, có thể nói là chấm dứt việc lợi dụng “chỉ tiêu” khai thác gỗ để tàn phá rừng trái phép. Nhờ lệnh đóng cửa rừng và hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả. Chính điều đó đã thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cũng theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, bên cạnh quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, mấy năm nay, công tác phát triển rừng cũng được chú trọng, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Từ năm 2017 - 2019, Đắk Nông đã trồng mới gần 4.800 ha rừng.
Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, nơi vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh, hoang sơ cần bảo vệ. Những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng loạt các giải pháp như ngừng cấp phép khai thác lâm sản, tận thu - tận dụng lâm sản trên diện tích rừng tự nhiên. Tỉnh thoái trả bồi thường giá trị tài nguyên rừng trên diện tích tận dụng lâm sản cho các doanh nghiệp trong các dự án đã cấp phép trước đó; kiểm kê lại tài nguyên rừng cho các doanh nghiệp để thoái trả giá trị lâm sản đã bồi thường. Những khu vực rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đều nghiêm cấm khai thác, chỉ quản lý bảo vệ. Tất cả các dự án đầu tư vào rừng, liên quan đến rừng đều dừng lại hết…
Qua triển khai, tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 8 giấy phép đã cấp cho 7 doanh nghiệp trồng rừng cao su và rừng kinh tế trên diện tích hơn 465 ha, tổng sản lượng gỗ gần 14.000 m3. Với những trường hợp đã nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng, tỉnh đã thoái trả tiền bồi thường cho 12 đơn vị với số tiền trên 11 tỉ đồng …
Nhờ thực hiện những giải pháp khá mạnh mẽ, nên trong 5 năm qua, diện tích rừng của Lâm Đồng không giảm mà còn tăng thêm. Đến nay đã đạt 536.680 ha trên tổng số 978.334 ha diện tích tự nhiên, đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 54,5%, mỗi năm tăng 0,5%, trong khi độ che phủ bình quân của cả khu vực là 46,19%.
Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, độ che phủ rừng toàn khu vực đạt 46,19%, đứng thứ 2 của cả nước, sau khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các tỉnh Tây Nguyên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, từng bước nâng cao độ che phủ rừng trên toàn khu vực.
Bài 2: Dễ đóng cửa, khó cài then