Cuộc chiến không khoan nhượng
Phải khẳng định rằng, Tây Nguyên là khu vực còn nhiều diện tích rừng tự nhiên và nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Thị trường lâm sản đang có nhu cầu cao, giá trị lâm sản về gỗ, đặc biệt là gỗ rừng tự nhiên ngày càng tăng nên có thể ví rừng Tây Nguyên như “miếng bánh giàu dinh dưỡng” mà bất cứ đối tượng "lâm tặc" nào cũng “thèm muốn”.
Thực tế trong thời gian qua, trên khắp các địa phương còn rừng ở Tây Nguyên đều bị "lâm tặc" mở đường “khai chiến” để khai thác gỗ trái phép. Đặc biệt là tại các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk Song, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông); Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Đạ Tẻh, Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng); Ia HDrai, Ngọc Hồi, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đắk Tô (tỉnh Kon Tum); Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Hleo, MĐrắk, Kông Bông, Lắk (tỉnh Đắk Lắk); Ia Grai, Mang Giang, Chư Prông, Krông Pa, Kbang, Chư Pah, Ayun Pa (tỉnh Gia Lai). Điều này cho thấy, chỉ khi nào hết rừng thì lâm tặc mới “tìm nghề mới” và phá rừng Tây Nguyên sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng là hai địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn ở khu vực Tây Nguyên. Các biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng đã được tăng cường trong thời gian qua để “hạ nhiệt” nạn phá rừng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết: Trong thời gian tới để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn, tỉnh Đắk Lắk đã quyết liệt chỉ đạo cấp ủy chính quyền các cấp, các chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng, các cơ quan Công an, Kiểm sát, Quân đội và các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc quyết liệt, đấu tranh một cách có hiệu quả, xử lý nghiêm những hành vi phá hoạt tài nguyên rừng, làm rõ trách nhiệm người phụ trách từng địa bàn, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng.
Đắk Lắk đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân, triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, tỉnh tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương, cho đội ngũ cán bộ quản lý rừng, đặc biệt đội ngũ cán bộ kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Trước tình trạng phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khôi phục rừng trên diện tích bị lấn chiếm giai đoạn 2020- 2025 tầm nhìn 2030”, đang trình UBND tỉnh và lấy ý kiến đóng góp. Tại đề án này, Sở đề xuất không phê duyệt các dự án cho thuê rừng phòng hộ, kinh doanh du lịch dưới tán rừng nữa, mà chỉ còn dự án cho thuê môi trường rừng.
Đặc biệt, ngày 19/5/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 4523/UBND-LN về tổ chức Đợt cao điểm ra quân kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đơn vị sẽ tổ chức các đợt ra quân trong toàn lực lượng Kiểm lâm, trên phạm vi toàn tỉnh để tuần tra; hỗ trợ các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV Hà Công Tài, trước sự ngang nhiên, lộng hành của "lâm tặc" trong thời gian vừa qua, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã tăng cường lực lượng, hỗ trợ chủ rừng, cơ quan Kiểm lâm tổ chức các đợt truy quét tại các điểm nóng phá rừng trên khắp địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đây là "cuộc chiến" không khoan nhượng để bảo vệ những các cánh rừng nguyên sinh ở khu vực Tây Nguyên.
Cũng theo ông Hà Công Tài, bên cạnh tăng cường kiểm tra, truy quét các điểm nóng phá rừng, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các hành vi vi phạm "lâm luật" tại các điểm nóng, nhạy cảm về phá rừng, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tài nguyên rừng. Đồng thời xử lý nghiêm, dứt điểm những vụ án còn tồn đọng về phá rừng, chống người thi hành công vụ để kịp thời răn đe các đối tượng khác.
Việc tuần tra, truy quét lâm tặc có thể làm “hạ nhiệt” nạn phá rừng trong thời gian nhất định. Để bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên bền vững thì cần thêm những giải pháp đồng bộ mang tính vĩ mô, đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách và vấn đề an sinh xã hội cho người dân sống gần rừng.
Tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững
Theo Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương: Đối với các tỉnh tại Tây Nguyên, công tác quản lý, bảo vệ rừng rừng là nội dung liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Tại nhiều cuộc họp, hội thảo các cấp, các ngành đã xác nguyên nhân chưa ngăn chặn xử lý được tình trạng xâm hại rừng trên bàn địa tỉnh là: Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập; nguồn vốn, kinh phí nhà nước đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn quá thấp so với nhu cầu thực tế, hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của tỉnh. Bên cạnh đó, chưa đủ nguồn lực để giải quyết đồng bộ hài hòa các vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng như: Bố trí sắp xếp, ổn định dân cư giải quyết đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân sống gần rừng và các vấn đề phát triển kinh tế xã hội khác liên quan đến rừng, đất rừng.
Để giảm áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, giải quyết căn bản tình trạng dân di cư tự do trên địa tỉnh trước năm 2025. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn vốn để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 (trong đó ngân sách Trung ương hơn 661 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 283 tỷ đồng) để giải quyết vấn đề dân di cư tự do để giảm sức ép vào rừng, đất rừng.
Đối với Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2006-2020, Trung ương mới bố trí vốn cho tỉnh Đắk Lắk hơn 66 tỷ đồng, đạt khoảng 15% nhu cầu đi của tỉnh, do vậy rất khó để có nguồn lực đầu tư phát triển rừng, địa phương phải tự chủ động bố trí, phân bổ đầu tư cho các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn, chủ yếu để bố trí cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, chưa ưu tiên để thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng, do vậy rất khó để có nguồn lực đầu tư phát triển rừng. Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương quan tâm, bố trí vốn để thực hiện chương trình này gắn với thực hiện Quyết định 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030.
Đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cũng là vấn đề cần thiết phải có đề xuất, kiến nghị tháo gỡ. Tỉnh Đắk Lắk đã có 8 văn bản báo cáo kiến nghị Trung ương xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay để các bộ, ngành, Chính phủ xem xét, tháo gỡ, tuy nhiên hiện nay nhiều kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết hoặc có hướng dẫn thực hiện.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, thực tế ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang có hàng trăm ngàn hécta rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt năng suất, chất lượng thấp, tỉ lệ cây phi mục đích, tỉ lệ cây gỗ có đường kính trên 20 cm rất ít và chủ yếu là cây phẩm chất xấu không đáp ứng trước yêu cầu về kinh tế, phòng hộ, môi trường trong khoảng vài chục năm nữa, không thể phục hồi. Trong đó có một bộ phận lớn là rừng khộp.
Trên cơ sở quy định của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ “được phép thực hiện cải tạo rừng”, tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm có kết luận đầy đủ về khoa học” tại Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ cho địa phương thực hiện việc cải tạo rừng theo quy định của Nhà nước.
Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo trong gian đoạn 2021-2025 nhưng đổi mới phương pháp tiếp cận, các cách thức hỗ trợ, tiêu chí đánh giá… nhằm kết nối tất cả các chương trình, tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ người nghèo về sinh kế, xoá nhà dột nát, cải thiện điều kiện sống của người nghèo, nhất là người dân sống gần rừng.
Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổng kết về giao rừng, cho thuê rừng trên cơ sở đó xây dựng cơ chế rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng nhận rừng, để họ yên tâm đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lâu dài, ổn định. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, mối quan hệ với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý xâm hại rừng, đất lâm nghiệp để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả mọi hành vi xâm hại rừng.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực Tây Nguyên đang đứng trước nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục vào cuộc “mổ xẻ” những nguyên nhân làm mất rừng, từ đó đề ra những giải pháp đồng bộ, đột phá để khôi phục và phát triển bền vững rừng Tây Nguyên.