70 năm tập kết ra Bắc - Bài 1: 'Hai năm hay bao lâu em vẫn đợi'

Những ngày tháng 10 năm 1954, từng chuyến tàu lần lượt rời bến miền Nam chở học sinh cùng cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Người đi, người ở nguyện giữ trọn lời thề, “Bắc Nam sum họp” sau hai năm. Ấy vậy nhưng ước hẹn đó lại đẵng đẵng tới 21 năm.

“Ngọn lửa đoàn kết dân tộc” và niềm tin son sắt, khát vọng đoàn tụ đã giúp những người con phương Nam quyết tâm học tập, vượt qua khó khăn. Không chỉ đóng góp vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, “những hạt giống đỏ” đã kế cận, tham gia xây dựng nước nhà, góp sức vào tâm nguyện cháy bỏng của dân tộc: Xây dựng đất nước hùng cường!

Niềm vui như cơn lốc

Chú thích ảnh
Nhân dân miền Bắc đón tiếp cán bộ, bộ đội và nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn (Thanh Hóa), theo quy định tại Hiệp định Geneva (25/9/1954). Ảnh: Tư liệu TTXVN

70 năm trôi qua nhưng nhắc đến chuyến tàu tập kết ra Bắc, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, một người con miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 nói rằng: Theo Hiệp định Geneva, tổng tuyển cử tự do trong cả nước tiến hành sau hai năm nữa. Tuy vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng nhận định “rất mong manh” vì bản chất ngoan cố của kẻ địch, nhất là đế quốc Mỹ.

“Nhưng ai cũng mong sau hai năm sẽ trở về quê hương, gia đình nên dồn mọi cố gắng cho chuyến đi. Ai cũng giơ cao hai ngón tay làm hiệu, như thề nguyền nhắn gửi với đất Mẹ, với người ở lại rằng hai năm nữa chúng tôi sẽ trở về”, Thiếu tướng Võ Sở bồi hồi nói.

Tin vui “Hiệp định Geneva ký kết, đình chiến” đến như cơn lốc vào một ngày giữa tháng 7 năm 1954 khi Tiểu đoàn 19 (Trung đoàn 108 chủ lực Liên khu V) của ông Võ Sở vừa kết thúc trận đánh tại đèo Chư Đrêk trên đường 14, đoạn giáp giới hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Khói súng chưa tan thì đơn vị của ông nhận được thông báo: Khẩn trương hành quân, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

Dù thời gian quá gấp, nhưng đơn vị của ông vẫn tìm bằng được vải để may cờ Tổ quốc. Đội hình hành quân, mỗi xe chở một trung đội. Xe nào cũng cắm một lá cờ đỏ sao vàng. Khi đoàn xe tiến qua thị xã Pleiku, nơi quân Pháp và quân ngụy còn chiếm giữ, chúng đều đổ ra đường ngơ ngác đứng nhìn. Dân chúng cũng ào ra đường. Khi bộ đội hô vang: “Đã có Hiệp định Geneva, ngừng bắn rồi”. Bà con nhất loạt hò reo: "Hoan hô ngừng bắn!", "Hồ Chủ tịch muôn năm!".

Rời Pleiku tới Bình Định, không ai bảo ai, hết thảy đếu phấn khởi nhưng không khỏi bồn chồn, thấp thỏm trước nhận định “tổng tuyển cử sẽ rất khó khăn vì bản chất ngoan cố của kẻ địch, nhất là đế quốc Mỹ”. Tháng 10 năm 1954, đơn vị của ông Võ Sở được lệnh chuẩn bị tập kết ra Bắc. Để lên đường đúng thời hạn quy định, mọi công việc chuẩn bị được triển khai rất khẩn trương. Hoàn tất mọi việc, các đơn vị hành quân về đóng ở các huyện phía nam Bình Định để lần lượt xuống tàu biển tại cảng Quy Nhơn.

Trước ngày xuống tàu, cán bộ, chiến sĩ được phép về thăm nhà ba ngày. Đường từ Hoài Nhơn về tới nhà gần bảy chục cây số, để kịp thời gian, ông Võ Sở vừa đi vừa chạy từ chiều hôm "nhận phép" và suốt đêm hôm đó. Mờ sáng hôm sau, ông có mặt ở nhà trước sự ngỡ ngàng, sửng sốt của người thân. Vẻn vẹn hai ngày ở nhà, ông tranh thủ dọi lại mái tranh, sửa sang chuồng gà, chuồng lợn...; làm hết thảy những gì có thể giúp mẹ, vợ và chị, bởi “nay mai thiếu vắng bàn tay đàn ông”.

“Mỗi lần nhắc chuyện tôi đi xa, mẹ tôi lại kéo vội vạt áo lau nước mắt”, ông Võ Sở nhớ lại.
Cố giấu nỗi lo, nén xúc động để nước mắt lặn vào trong, ông Võ Sở biết rồi đây mảnh đất phương Nam thuộc quyền kiểm soát của địch. Chắc rằng gia đình có người đi kháng chiến, đi tập kết, khó bề yên thân. Hết bên nội, ông lại chạy sang bên ngoại thăm mẹ vợ và anh chị em bên vợ.

“Năm đó Diện - vợ tôi mới 21 tuổi. Chúng tôi vừa lập gia đình được hơn bảy tháng. Cưới xong là đi. Trận đánh này kéo theo chiến dịch khác. Vợ chồng tính gọn được dăm ngày bên nhau. Lúc tôi tạm biệt gia đình, cả nhà đều tấm tức. Nhìn mẹ già, cháu nhỏ không muốn rời, tôi không cầm được lòng, đành bước thật nhanh. Diện dặn tôi rằng: Cứ yên lòng ra Bắc, trông cho chóng ngày về, hai năm hay bao lâu em vẫn đợi!”, ông Võ Sở kể.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Ảnh: Anh Tùng

Cuộc chiến đấu mới

Cuối cùng thì giờ phút tạm xa quê hương, tạm xa miền Nam cũng đến. Ông Võ Sở lên tàu biển Kilinsky của hải quân Ba Lan cùng cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc. “Đó là một sáng cuối tháng 10, gió mùa về. Biển động. Sóng lớn. Tàu lắc lư, chao đảo. Chúng tôi tràn lên đứng chật boong tàu. Ai cũng giơ cao hai ngón tay làm hiệu, như thề nguyền nhắn gửi với đất Mẹ, với người ở lại rằng hai năm nữa chúng tôi sẽ trở về”, ông Võ Sở chậm rãi nói.

Trong ký ức của vị tướng già, vừa đúng một tuần sau khi ra Bắc, ông cùng đơn vị về tập trung tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Nằm trong Sư đoàn 305, đơn vị của ông vừa khẩn trương củng cố tổ chức, huấn luyện tốt, đồng thời tham gia vận động nhân dân, chống địch cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam.

Đây là một cuộc chiến đấu vô cùng phức tạp, quyết liệt. Bộ đội vừa phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân về chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách đoàn kết lương giáo của Đảng, Nhà nước ta, lại vừa động viên giáo dân ở lại xây dựng quê hương, xây dựng chế độ mới. Bộ đội cũng vừa phải đối phó với không ít những kẻ quá khích bị kẻ địch lợi dụng, kích động dùng vũ khí, hung khí hành hung bộ đội. Trong khi đó, bộ đội tuyệt đối không được sử dụng vũ khí, chỉ chống đỡ bằng tay. Cũng vì vậy, không ít trường hợp bộ đội phải đổ máu, thậm chí thương vong.

“Chỉ non nửa tháng đấu tranh chống địch cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam, chúng tôi cũng đã ý thức được cuộc chiến đấu mới đang đến với nhân dân và quân đội ta sẽ cam go, quyết liệt đến nhường nào”, ông Võ Sở nhớ lại.

Bài 2: Ngọn lửa đoàn kết dân tộc

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
70 năm tập kết ra Bắc - Bài cuối: Khát vọng vươn mình
70 năm tập kết ra Bắc - Bài cuối: Khát vọng vươn mình

70 năm trôi qua, những nỗ lực học tập, rèn luyện, cống hiến của thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những khó khăn chồng chất sau chiến tranh, để rồi vững vàng đổi mới, hội nhập và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN