Tình cảm Nam, Bắc một nhà
Ở tuổi 87, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Xí, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp vẫn đầy ắp cảm xúc khi nhắc lại chuyện 70 năm trước tập kết ra Bắc. Trong phòng khách ngôi nhà giữa ngõ 106 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, ông ngồi tựa lưng vào ghế sô pha rồi lật mở ký ức.
Lúc ấy đang là cậu học trò lớp 9 ở Phù Mỹ, Bình Định, ông cũng như đồng bào Nam Bộ rất vui, nghĩ rằng cả nước sẽ được sống trong hòa bình, hai năm nữa là tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cuối tháng 9 năm 1954, ông nhận được chỉ thị lên đường tập kết ra Bắc. Ở vùng tự do, đi trên đường, ai cũng đưa hai ngón tay hàm ý là Victory - là chiến thắng và hoà bình. Hai ngón tay cũng là lời hẹn trùng phùng sau hai năm. Không ai nghĩ khoảng thời gian ác nghiệt đó lại kéo dài gần hai mốt năm thì nước nhà mới thống nhất.
“Bọn địch bắt đầu giở quẻ ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết. Ai về thì nó bắt, nó tống giam hết. Đã xảy ra những vụ địch tàn sát đồng bào, người theo kháng chiến”, ông Nguyễn Hữu Xí nhớ lại.
Đầu tháng 11 năm 1954, ông Nguyễn Hữu Xí xuống tàu biển của Nauy cùng hơn 1.500 cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Ở trên tàu, có những lúc nỗi nhớ quê nhà ập đến, ông ngồi thừ nghĩ tới người thân, nhớ hình ảnh hàng ngàn đồng bào lưu luyến tiễn chồng, con, em xuống tàu ra Bắc.
Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, sáng 6/11/1954, tàu cập bến Cửa Hội (Nghệ An). Vây xung quanh là rất nhiều thuyền nhỏ của bà con Nghệ An ra đón những người tập kết. Song, tàu không thể vào gần bờ nên đậu ngoài xa, thuyền con cũng không vào được tận bờ. Bà con liền lội ra tận nơi cõng cậu học trò Nam Bộ và những người khác vào bờ. Từ bến lên bờ, đồng bào đứng vẫy cờ hoa, vẫy tay đón người tập kết dài hàng cây số. Phút gặp mặt, tất cả vừa ôm nhau, vừa khóc vừa mừng vui như những người ruột thịt đi xa lâu ngày trở về.
“Trời ơi, tôi cũng làm sao có thể quên được những bữa cơm đón tiếp, những quả cam xã Đoài xứ Nghệ. Bà con miền Bắc dành những tình cảm thân thiết, sự lo lắng chu đáo cho người tập kết, tất cả gắn bó với nhau như người một nhà. Đó là những dấu ấn đã sâu đậm vào ký ức chúng tôi”, ông Nguyễn Hữu Xí bồi hồi nói.
Trách nhiệm nặng nề
Ông Trương Đình Long, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ địa chất, đại biểu Quốc hội khoá VIII, cũng vượt biển ra tập kết vào đầu năm 1955 khi đang là học sinh lớp 8. Từ thành phố Quy Nhơn, Bình Định tới miền Bắc, ông cảm nhận trọn vẹn “không có khoảng cách, chỉ có tình cảm thân thiết, sự cảm thông và chia sẻ”.
Tháng 7/1955, khi về Hà Nội thì ông được lựa chọn tham gia lớp chuyên viên hầm mỏ để chuẩn bị đi làm việc với đoàn chuyên gia địa chất của Liên Xô. Đây thực chất là lớp sơ cấp địa chất đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Đây cũng là thời điểm ông Trương Đình Long cùng nhiều học sinh miền Nam khác gánh trách nhiệm nặng nề là phải học thật tốt để sau này giữ vai trò “hạt giống đỏ” cho miền Nam và cho đất nước sau chiến tranh.
Trách nhiệm đó cũng là áp lực bởi rất nhiều người đã hy sinh để những học sinh miền Nam tập kết yên tâm lên lớp, đến giảng đường. Và áp lực, nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn đã thành động lực khiến họ lao vào học tập, rèn luyện, ước mơ, hy vọng và nuôi dưỡng niềm tin ngày đất nước thống nhất. Tất nhiên kèm theo đó cũng là niềm vinh dự lớn lao bởi được tin cậy, giao phó trách nhiệm, để rồi ông Trương Đình Long đã trưởng thành và trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, một trong những nhà khoa học xuất sắc, có nhiều cống hiến cho nền khoa học Việt Nam. Hay như ông Nguyễn Hữu Xí đã vượt qua những gian khổ, khó khăn để có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành “Vật lý hạt nhân”, “Điện tử hạt nhân” của nước nhà.
Theo số liệu của Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, sau Hiệp định Geneva, hàng chục nghìn con em miền Nam đã được Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đưa ra miền Bắc. Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, nhất là cho xây dựng lại miền Nam khi đất nước hòa bình, thống nhất, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định xây dựng các trường nội trú tập trung để nuôi dạy số con em này, đồng thời gửi một bộ phận học sinh miền Nam sang nước ngoài học tập.
Từ năm 1964 trở đi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tiếp tục đưa thêm con em miền Nam ra miền Bắc nuôi dưỡng, đào tạo. Từ năm 1968 đến đầu năm 1975 có thêm khoảng 10.000 người được đưa ra miền Bắc, nâng tổng số học sinh miền Nam được đào tạo trên đất Bắc là hơn 32.000 người.
Như nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, thành lập hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ là tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng của Đảng, Nhà nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ mà là tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục, của đồng bào miền Bắc dành cho con em miền Nam ruột thịt.
"Dù ở lứa tuổi nào, tôi tin rằng trong tâm khảm của mỗi chúng ta không thể quên những năm tháng sống và học tập ở miền Bắc. Bởi chúng ta được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước, đùm bọc của đồng bào miền Bắc. Và được các thầy cô giáo hết lòng dạy dỗ", ông Trương Hoà Bình chia sẻ.
Bài 3: Trưởng thành trong chiến tranh gian khó