Tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao sự dày công nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp thông tin, tư liệu về sự kiện tập kết ra Bắc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đại biểu. Qua những bài viết và ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ bổ sung, làm sâu sắc cơ sở khoa học và thực tiễn về một sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của Đảng, dân tộc.
Để phát huy hiệu quả các kết quả nghiên cứu, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Tỉnh ủy Thanh Hóa và các cơ quan báo chí truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền sau Hội thảo; nhất là về vị trí, vai trò, tầm vóc của sự kiện tập kết ra Bắc. Từ đó, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đồng thời, khẳng định tinh thần và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Thanh Hóa cần chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Lễ khánh thành công trình Khu lưu niệm và chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại thành phố Sầm Sơn. Địa phương tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng, sưu tầm, bổ sung phong phú tư liệu vào Khu lưu niệm, tạo thành điểm đến tham quan, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh khẳng định, quá trình đón tiếp cán bộ, chiến sỹ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cách đây 70 để lại nhiều bài học quý, sống động. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn ghi nhớ, khắc sâu; từ đó sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”...
Cuối tháng 8/1954, sau 1 tháng ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết định đúng đắn, kịp thời là đưa con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nhằm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị một lực lượng quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước. Thời điểm đó, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đảng lựa chọn là nơi đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam. Địa điểm đầu tiên tập kết là tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn).
Dù còn vất vả, nghèo khó nhưng người dân Thanh Hóa lúc đó đã dành những gì tốt nhất của mình cho đồng bào miền Nam. Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), Thanh Hóa đã đón 45 chuyến tàu chở 47.346 cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc. Nhân dân Thanh Hóa, trực tiếp là nhân dân Sầm Sơn đã tổ chức đón tiếp, chăm sóc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tập kết.
Tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trở thành nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên những cán bộ, chiến sỹ, học sinh, các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc nỗ lực vượt mọi khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, tích cực học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu. Trong số những cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động...
Tại Hội thảo, 60 tham luận của các nhà khoa học, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố đã nêu bật ý nghĩa lịch sử của chủ trương đưa đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và những tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, quân, dân tỉnh Thanh Hóa đối với đồng bào...